Viễn thông - Công nghệ
K+ thua lỗ do khách quan, không chuyển giá?
Hữu Tuấn - 20/11/2021 08:22
Sau khi Báo Đầu tư đăng bài viết “Thực hư chuyện thua lỗ liên tục của K+”, Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV-Truyền hình K+) đã có phản hồi, làm rõ một số vấn đề...
K+ tiếp tục thua lỗ 265 tỷ đồng trong năm 2020.

Thua lỗ là do khách quan

Trao đổi với Báo Đầu tư, VSTV đã chỉ ra nhiều khó khăn dẫn đến việc chưa “thoát lỗ”. Theo đó, tại thời điểm xin cấp phép, VSTV là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua vệ tinh, nhưng ngay sau đó, hai đơn vị là VTC và AVG cũng được cấp phép cung cấp dịch vụ này, khiến thị trường truyền hình trả tiền và thị trường bản quyền trở nên cạnh tranh khốc liệt.

Tiếp theo, các doanh nghiệp viễn thông cũng được cấp phép tham gia thị trường truyền hình trả tiền. Họ đã tận dụng lợi thế được cùng lúc hoạt động ở 2 lĩnh vực viễn thông và truyền hình trả tiền trong các hoạt động khuyến mại, giá dịch vụ. Họ sử dụng tệp khách hàng có sẵn của dịch vụ viễn thông để cạnh tranh với các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực truyền hình bằng nhiều cách, trong đó có việc tích cực cung cấp các “gói Combo” Internet kèm truyền hình giá rẻ, dẫn đến phí thuê bao truyền hình tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất khu vực.

Bên cạnh đó là sự xuất hiện và cạnh tranh không bình đẳng của các nhà cung cấp nội dung xuyên biên giới (Netflix, Amazone, Facebook...). Họ có thế mạnh vượt trội về công nghệ, tài chính, tập khách hàng lên tới hàng tỷ thuê bao, có vị thế đàm phán bản quyền vượt trội so với các đơn vị trong nước, không phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật Việt Nam về cấp phép, kiểm duyệt nội dung, Việt hóa cũng như các chi phí tài chính và chi phí cơ hội khi thực hiện các thủ tục này, không phải nộp các khoản phí và thuế liên quan tới việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

“Sự cạnh tranh của những nhà cung cấp nội dung xuyên biên giới này đang là mối đe dọa của cả ngành truyền hình trả tiền trong nước”, VSTV nhận định.

K+ thua lỗ còn do việc vi phạm bản quyền, đặc biệt trên nền tảng Internet, ngày càng phổ biến và tinh vi. Mức độ vi phạm bản quyền bóng đá tại Việt Nam được Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh đánh giá là đứng thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc). Theo số liệu thực tế theo dõi của VSTV tại top các websites vi phạm bản quyền, số lượng lượt xem lậu trên các trang web vi phạm bản quyền trong 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 67,6 triệu lượt.

“Nếu coi mỗi lượt xem lậu là một lượt xem hợp pháp, ước tính, K+ bị thiệt hại khoảng 211.402.599.688 đồng doanh thu phát triển thuê bao trong 6 tháng đầu năm 2020. Về doanh thu quảng cáo trên môi trường số, ước tính K+ thất thu gần 1,6 tỷ đồng”, VSTV cho hay.

Mặt khác, VSTV vẫn được coi là một công ty trẻ khi so sánh với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác tại Việt Nam hiện nay như VTVCab (27 năm), SCTV (32 năm), VTC (33 năm)...  Đầu tư dịch vụ truyền hình trả tiền là đầu tư dài hạn, trên thế giới, thời gian trung bình để một doanh nghiệp truyền hình trả tiền đạt điểm hòa vốn và có lãi là từ 7 đến 15 năm.

Trong khi đó, đặc thù của truyền hình trả tiền qua vệ tinh là có chi phí cố định cao, bất kể quy mô doanh thu lớn hay nhỏ và không phụ thuộc vào số lượng thuê bao. Lấy ví dụ năm 2020, gần 70% tổng chi phí hoạt động của VSTV là chi phí cố định, bao gồm chi phí thuê vệ tinh, chi phí bản quyền phát sóng, chi phí khấu hao, chi phí lao động và chi phí lãi vay.

K+ không chuyển giá

Về nghi vấn K+ liên tục thua lỗ là do chuyển giá về công ty mẹ Canal+, phía K+ cho biết: “Qua hàng chục cuộc thanh tra và kiểm toán tại trụ sở chính và các chi nhánh tại địa phương bởi Kiểm toán Nhà nước, thanh tra thuế và các cơ quan thanh tra thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong hơn 10 năm qua, VSTV luôn được đánh giá là doanh nghiệp gương mẫu về tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước”.

Kiểm toán Nhà nước đã có đợt kiểm toán chuyên sâu về chuyển giá tại VSTV năm 2013 và các năm 2018, 2020. Thanh tra thuế chuyên đề chuyển giá của Cục Thuế Hà Nội đã có đợt thanh tra chuyên sâu về chuyển giá vào năm 2017. Tất cả các đợt thanh tha, kiểm toán này đều cho kết luận là không có dấu hiệu chuyển giá trong các giao dịch giữa VSTV và các công ty mẹ là Đài Truyền hình Việt Nam và Canal+, việc quản lý tại VSTV là minh bạch, chuyên nghiệp và tuân thủ.

Liên quan đến các vấn đề về doanh thu, lợi nhuận, số thuê bao, nợ…, phía K+ từ chối trả lời vì “liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp”. K+ cũng từ chối trả lời các vấn đề liên quan đến xử lý các khoản nợ, kế hoạch VTV thoái vốn tại K+.

Theo báo cáo mới nhất, K+ tiếp tục thua lỗ 265 tỷ đồng trong năm 2020. Lỗ lũy kế đến hết năm 2020 của K+ cả ngàn tỷ đồng và công ty này đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.300 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của K+ đến từ nguồn vốn vay, tới cuối năm 2019, nợ phải trả của K+ đã lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với năm trước, trong đó nợ vay hơn 1.100 tỷ đồng.

Như vậy, tương lai của K+ như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Do ảnh hưởng của đại dịch

Một nguyên nhân khách quan khác được VSTV chỉ ra là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 của VSTV - vốn lấy nội dung thể thao làm thế mạnh. Toàn bộ các giải thể thao lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, ATP, Euro đã bị hoãn, hủy, hay lùi thời hạn tổ chức. Mặc dù hết quả hoạt động kinh doanh trong những năm 2018, 2019 tìm lại sự tăng trưởng sau giai đoạn khó khăn 2015-2017, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, việc giữ và tăng trưởng thuê bao trở nên đặc biệt khó khăn.
Tin liên quan
Tin khác