Đất đai là vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài SDĐ. Từ quan điểm nào ông lại đề xuất kéo dài thời gian SDĐ tại đặc khu lên tới 99 năm?
Theo tôi, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án và đề xuất của nhà đầu tư, nên giao cho chủ tịch ủy ban đặc khu quyết định thời hạn SDĐ để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa lên đến 70 năm. Trong trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài thời gian SDĐ cho nhà đầu tư lên tới 99 năm và việc này nên giao Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quy định như vậy nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đặc khu so với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khác trong nước, cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Hiện doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế được SDĐ tới 70 năm, nếu không kéo dài thời gian thuê đất trên 70 năm trong một số trường hợp thì pháp luật về đất đai tại đặc khu không hấp dẫn hơn các khu kinh tế hiện hành.
Hơn nữa, một số đặc khu kinh tế ở Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai… đã cho phép nhà đầu tư được SDĐ tới 99 năm. Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Việt Nam “sinh sau đẻ muộn”, nếu không có nhiều chính sách hấp dẫn hơn, trong đó có chính sách về đất đai, thì sẽ khó thu hút được doanh nghiệp có tiềm lực muốn đầu tư lâu dài.
Theo nhiều ý kiến, cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài SDĐ tới 99 năm không khác gì “đánh đổi chủ quyền lấy tăng trưởng kinh tế”. Quan điểm của ông ra sao?
Không phải dự án nào tại đặc khu cũng được SDĐ tới 99 năm, mà chỉ áp dụng với dự án trong khu vực hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục - đào tạo… Tuy nhiên, cần phải hiểu mức 99 năm là trần tối đa.
Ví dụ năm 2020, các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong chính thức được thành lập, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điểu kiện, đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực Chính phủ khuyến khích thì có thể SDĐ tại đặc khu tới năm 2119, tức là được sử dụng đất đủ 99 năm. Nhưng năm 2030, doanh nghiệp nào đó mới đầu tư thì chỉ được sử dụng đất 89 năm và đến năm 2050, doanh nghiệp mới đầu tư chỉ được sử dụng đất có 49 năm.
Tôi cho rằng, quy định này không ảnh hưởng tới các chính sách, pháp luật về đất đai, đồng thời tăng sức hút nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, muốn làm ăn lâu dài khi đặc khu mới đi vào hoạt động, sức hấp dẫn còn kém.
Còn sau thời điểm năm 2119, nhà đầu tư có tiếp tục muốn SDĐ, có được phép SDĐ nữa hay không; lĩnh vực, ngành nghề nào cần khuyến khích đầu tư; lĩnh vực, ngành nghề nào không cần khuyến khích đầu tư; mức độ khuyến khích ra sao tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của nền kinh tế ở thời điểm đó.
Ngoài ưu đãi thời gian SDĐ; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có rất nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế. Ông có đồng tình với chính sách miễn, giảm thuế không?
Nếu chỉ có tổ chức bộ máy hành chính đặc biệt mà không có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt khác về tài chính, đất đai nhằm thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược, thì thành lập đặc khu làm gì? Tuy nhiên, ưu đãi phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ưu đãi đặc biệt đối với những lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút vào đặc khu; không ưu tiên, ưu đãi đối với những ngành nghề, lĩnh vực mà hiện nay doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Cả 3 đặc khu dự kiến thành lập đã nằm ở vị trí đặc biệt, đắc địa, có ưu thế vượt trội hơn các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nên đã có sức hấp dẫn đặc biệt với nhà đầu tư. Nếu ưu đãi quá nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thì doanh nghiệp sẽ bỏ khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao để đầu tư vào đặc khu. Hơn nữa, nếu ưu đãi dàn trải sẽ dẫn tới tình trạng chuyển giá, gian lận thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước và làm méo mó môi trường kinh doanh.
Cụ thể là nên ưu tiên, ưu đãi đối với ngành nghề, lĩnh vực nào, thưa ông?
Ban Soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và tương ứng mỗi ngành nghề sẽ có các mức ưu đãi về thuế, tiền SDĐ, tiền thuê đất khác nhau.
Theo tôi, ưu đãi miễn, giảm thuế với bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng phải có thời hạn, chứ không thực hiện theo cả đời dự án. Ví dụ, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa không quá 30 năm đối với dự án đầu tư tại đặc khu thuộc danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường…
Tôi không đồng tình với quan điểm miễn, giảm thuế đối với những ngành nghề, lĩnh vực đang thu hút đầu tư rất tốt như bất động sản, khách sạn, vui chơi, giải trí… Đặc biệt, không thể ưu đãi miễn, giảm thuế đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như casino chẳng hạn.
Thực ra, sức hấp dẫn của doanh nghiệp đầu tư vào casino không phải là miễn, giảm thuế, mà chính là có mở rộng đối tượng là người Việt Nam được chơi casino hay không. Nếu mở rộng thì không ưu đãi miễn, giảm thuế, doanh nghiệp vẫn đầu tư vào lĩnh vực này, ngược lại, thì dù có ưu đãi, miễn giảm thuế bao nhiêu đi chăng nữa cũng khó thu hút được nhà đầu tư.