Du lịch
Khách sạn, nhà hàng tọa lạc trên đất vàng gặp khó
Hạnh Nguyên - 14/03/2021 07:40
Covid-19 khiến thị trường quốc tế đóng băng, hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên “đất vàng” ở Hà Nội không thể cầm cự, treo biển giảm giá 70 - 80%, cho thuê, rao bán vẫn không có khách.

 

Doanh thu của một số khách sạn còn mở cửa ở khu phố cổ Hà Nội hiện nay chủ yếu đến từ kinh doanh nhà hàng Ảnh: Hạnh Nguyên

Mặt tiền “đất vàng” phủ bụi

Phố Tạ Hiện nổi tiếng đông đúc cả ngày lẫn đêm nay trở nên đìu hiu, vắng vẻ bởi “sóng thần” Covid-19 kéo dài. Dù chính quyền Hà Nội đã cho phép hàng quán trong nhà được mở cửa trở lại, nhưng từ quán bia hơi đến quán ăn và khách sạn tại đây vẫn đóng cửa im lìm vì quá vắng khách.

Hoạt động kinh doanh khách sạn, đồ lưu niệm, nhà hàng, spa trên những con phố “vàng”, sầm uất như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Liệt, Tràng Tiền, Bảo Khánh, Hàng Trống... cũng ảm đạm không kém. Nhiều chủ cửa hàng thời trang than thở, cả ngày không có nổi một bóng khách. Phòng vé, bán tour du lịch ở khu vực phố cổ gần như đóng cửa hoàn toàn. Một số chuyển sang hoạt động online; hướng dẫn viên, điều hành viên chật vật tìm việc mới.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chỉ đón khoảng 28.700 lượt khách quốc tế, chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài, người nhập cảnh vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ..., giảm 99,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn tại Hà Nội, thông tin từ Sở Du lịch TP. Hà Nội cho thấy, 2 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,29 triệu lượt, giảm 62,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 42.100 lượt, giảm 94,9% so với cùng kỳ năm 2020; khách du lịch nội địa ước đạt 1,24 triệu lượt, giảm 52,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ông Lâm, chủ nhà trên phố Hàng Bông cho biết, cả năm 2020 chỉ có 2 khách thuê bán quần áo và kinh doanh cà phê, nhưng khi hết hợp đồng 3 tháng đã trả mặt bằng vì quá ế. “Hoạt động kinh doanh ở đây chủ yếu phục vụ khách du lịch, phần lớn là khách quốc tế. Vì Covid-19, nên khách quốc tế không có, khách nội địa cũng giảm nhiều và thắt chặt chi tiêu. Từ đầu năm nay, chúng tôi đã giảm giá cho thuê tới 30%, cam kết giữ mức giá này trong 3 năm, lại thu tiền 3 tháng một lần thay vì 1 năm như trước đây, nhưng vẫn không có khách thuê”, ông Lâm than thở.

Đi một vòng khu phố cổ Hà Nội, qua các phố Hàng Giầy, Mã Mây, Lò Sũ, Hàng Bạc, Hàng Bè…, có đến một nửa số khách sạn được xây dựng với phong cách hiện đại treo biển cho thuê, rao bán. Các tấm biển cũng đã bạc màu. Chủ một khách sạn còn hoạt động trên phố Mã Mây chia sẻ: “Trước Covid-19, khách nước ngoài phải đặt trước cả tháng mới có phòng, vậy mà bây giờ công suất phòng chỉ đạt 10 - 25%. Giá phòng giảm tới 60 - 80%, nhưng vẫn ế ẩm. Tôi đang tính hết tháng này sẽ đóng cửa hoặc sang nhượng. Vì có những ngày, doanh thu không đủ trả tiền điện, chứ chưa nói đến trả lương nhân viên”.

Tuy nhiên, việc sang nhượng khách sạn thời điểm này rất khó khăn. “Khách sạn kế bên rao bán từ tháng 4/2020, mà đến nay vẫn chưa có người hỏi mua, mặt tiền phủ bụi, thành điểm nghỉ chân của người bán hàng rong”, doanh nhân này cho biết.

Trên các trang, hội, nhóm giao dịch bất động sản, khách sạn được rao bán hàng loạt. Anh Phạm Văn Tuyến, một môi giới bất động sản cho biết, anh đang có danh sách hơn 26 khách sạn cần bán tại Hà Nội, trong đó có 18 khách sạn tại khu phố cổ. “Khách sạn lớn nhất mà tôi đang tìm người mua rộng hơn 300 m2, có 40 phòng, rao bán 300 tỷ đồng”, anh Tuyến thông tin. Anh đánh giá, thời gian qua, dù nguồn cung lớn, nhưng rất ít nhà đầu tư mặn mà với khách sạn ở khu phố cổ do phải đầu tư vốn lớn, trong khi thị trường du lịch vẫn chưa phục hồi”.

Đề xuất sớm mở cửa đón khách quốc tế

Không chỉ các khách sạn khu phố cổ, tình hình kinh doanh khách sạn nói chung tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Các khách sạn 4 - 5 sao giảm giá sâu, thậm chí xuống mức 1 triệu đồng/đêm vẫn vắng khách. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Hanoitourist cho hay, hiện các khách sạn Hà Nội đang có mức giá ưu đãi chưa từng có. Do đó, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, hưởng thụ cơ sở vật chất của khách sạn 5 sao với giá bình dân sẽ là xu hướng du lịch mới khi đại dịch được kiểm soát tốt nhờ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

Đồng hành cùng hoạt động kích cầu của cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng sản phẩm mới, mang đặc trưng của Hà Nội. Ông Thắng cho biết, Hanoitourist đã phối hợp với một số khách sạn 4 - 5 sao thực hiện nhiều sản phẩm trải nghiệm giá rẻ, khai thác từ tháng 9/2020. Điển hình, tour 3 ngày 2 đêm trải nghiệm khách sạn cao cấp, kết hợp hoạt động đi bộ nửa ngày khám phá mùa thu Hà Nội có giá từ 1,8 triệu đồng/người; tour tìm hiểu căn hầm bí ẩn tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole kết hợp trải nghiệm kiến trúc, ẩm thực Hà Nội có giá trọn gói từ 3,3 triệu đồng/người(đã bao gồm tiền thuê phòng).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel nhận định, các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Hà Nội đang giới thiệu mức giá thuê phòng khá thấp, phù hợp với mọi nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân, tuy nhiên, để việc nghỉ dưỡng tại chỗ trở thành một xu hướng lâu dài, các khách sạn cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với doanh nghiệp lữ hành tổ chức thêm nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, qua đó thu hút và tăng nhu cầu lưu trú qua đêm của người dân và du khách.

Ông Lê Xuân Vinh, chủ 8 khách sạn tại khu phố cổ cho biết, hiện chỉ duy trì 2 cơ sở lưu trú để giữ chân nhân sự chủ chốt; doanh thu chủ yếu dựa vào kinh doanh nhà hàng. “Các doanh nghiệp khách sạn mong muốn Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, sớm có kế hoạch đón du khách quốc tế trở lại, vì chỉ khi có khách, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phục hồi hoạt động”, ông Vinh nói.

Tin liên quan
Tin khác