Thời sự
Khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS
Kỳ Thành - 30/03/2018 11:41
Sáng 30/3, Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, mở màn cho các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6.
Toàn cảnh Hội nghị

Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, là sự kiện đầu tiên diễn ra. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 2.000 doanh nhân đến từ nhiều quốc gia. Diễn đàn sẽ bàn về triển vọng kinh tế và những động lực phát triển trong thời gian tới. Diễn đàn cũng sẽ thảo luận và quyết định chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân 2018.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn, “Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, chúng ta cùng nhìn nhận và đánh giá thật sâu sắc những cơ hội phát triển và tăng trưởng, tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác phát triển về nền kinh tế của GMS. Tôi cũng mong các doanh nghiệp trong khối GMS sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là việc tạo ra các giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng không chỉ của một quốc gia, mà còn cả các quốc gia trong khu vực.

“Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng được các cơ hội hiện có, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ kỳ vọng các nước thành viên GMS sẽ cùng đẩy mạnh hợp tác, hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, Hiệp định đã cam kết, tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế - xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS sáng 30/3 (Ảnh: Zing)

Trong phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu sẽ thảo luận về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS; Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong bài phát biểu của mình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, VCCI đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS. Ông Lộc đánh giá, cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.

“Chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí điện thoại roaming, thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS. Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS”, ông Lộc nói.

Trong chương trình, các phiên họp chuyên sâu về phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp, thương mại tiểu vùng GMS và toàn cầu sẽ được diễn ra vào chiều nay.

Tối 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước thành viên sẽ đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 29-31/3. Với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", hội nghị năm nay đánh dấu 25 năm thành lập cơ chế hợp tác GMS, đồng thời là nơi lãnh đạo cấp cao các nước thành viên phê chuẩn nhiều chương trình, ngân sách và phương hướng hoạt động của chương trình hợp tác trong giai đoạn 2018-2022.

Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây.

Tin liên quan
Tin khác