Hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển cũng như đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hà Lan, Brazil… đều coi SME và start-up là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế. Nước nào cũng có chính sách, chương trình hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này.
Tại Việt Nam, việc hỗ trợ SME cũng được đề cập rất nhiều. Đã có một số chính sách hỗ trợ như cho vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở các địa phương… nhưng số doanh nghiệp được hưởng sự trợ giúp này còn quá nhỏ so với khoảng 470.000 SME đang hoạt động.
Các chính sách hỗ trợ khác như đào tạo, hỗ trợ pháp lý, mặt bằng sản xuất, cung cấp thông tin, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… cỏn rất hạn chế.
Đóng gói sản phẩm gạch men cao cấp tại Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà (Đông Triều, Quảng Ninh). -Ảnh: baoquangninh |
Phát triển mạnh trong vài năm gần đây, nhưng hiện tại, doanh nghiệp start-up ở Việt Nam chưa nhận được hỗ trợ do chưa có khung pháp lý công nhận, khuyến khích đầu tư đối với hoạt động khởi nghiệp. Trong khi đó, những SME có tổng doanh thu tối đa 20 tỷ đồng/năm, tuy được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (thay vì 22% như doanh nghiệp lớn) trong giai đoạn 2013-2015, nhưng chính sách ưu đãi này đương nhiên không còn ý nghĩa vì từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông được giảm từ 22% xuống 20%. Điều đó có nghĩa, SME cũng phải nộp thuế ngang bằng các doanh nghiệp lớn có quy mô vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ SME và start-up, tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã kiến nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho start-up và doanh nghiệp có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng từ 20% xuống còn 17%. Song cuối cùng, kiến nghị này đã không được chấp thuận với lý do chờ Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nếu Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều khả năng trong Kỳ họp Quốc hội thứ tư diễn ra vào cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về một số giải pháp về thuế trên tinh thần giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho SME và start-up xuống 17% hoặc thấp hơn. Khi đó, những doanh nghiệp yếu thế, quy mô nhỏ sẽ có điều kiện tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ SME và start-up như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, ưu đãi thuế… Các chính sách hỗ trợ khác có thể chưa thực hiện ngay khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, nhưng chính sách giảm thuế có thể áp dụng sớm và Bộ Tài chính đã sẵn sàng làm việc này. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh và dựa trên công nghệ, tri thức...
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp và giấc mơ Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp thành công tầm cỡ thế giới ra đời từ hoạt động start-up như Facebook, Uber, Grab... chỉ có thể trở thành hiện thực khi Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực hỗ trợ SME và start-up. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bắt đầu mơ giấc mơ này khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội xem xét, thông qua.