Đầu tư và cuộc sống
Khám phá những phong tục Giáng sinh độc đáo
Như Tầm - 22/12/2017 09:51
Trang trí cây chuối thay vì cây thông ở Ấn Độ, hóa trang thành ác quỷ để dọa trẻ em ở Áo hay ăn sâu bướm ở châu Phi ... là một số phong tục Giáng sinh lạ kỳ.

Giáng sinh ở mỗi quốc gia trên thế giới đều mang nét đặc trưng riêng nhờ có những phong tục kỳ lạ dưới đây.

1. Đập khúc gỗ và mua tượng

Người dân xứ Catalonia, Tây Ban Nha có một truyền thống khá kỳ quặc là làm Caga Tio, một khúc gỗ rỗng có vẽ mặt và đội mũ, được "nhét" thêm đồ ngọt và các loại hạt trong suốt 2 tuần. Đến đêm Giáng sinh mọi người sẽ dùng một cây gậy để đập sao cho mọi thứ rơi hết ra.

Ngoài ra họ còn mua cả Caganer, thực chất đây là một bức tượng nhỏ có hình dáng người đàn ông ngồi ở tư thế đi đại tiện. Tuy nhiên, chúng lại là đại diện cho sự giàu có và quyền bình đẳng của người dân nơi đây. Người Tây Ban Nha sẽ để những bức tượng đã được nhét tiền vào trong máng ăn của vật nuôi cho trẻ em đi tìm.

Năm 2004, chính quyền thành phố Barcelona bãi bỏ truyền thống Caganer này nhưng gặp phải những phản đối mạnh mẽ từ phía người dân nên hiện nay phong tục vẫn còn tồn tại. Caganer ngày nay còn được đổi mới bằng cách phỏng theo hình các nhân vật nổi tiếng như Barack Obama, Nicolas Sakozy, Woody Allen...

2. Xem truyền hình cùng gia đình

Người Thụy Điển coi trọng việc xem phim ngày Giáng sinh hơn so với các nước khác. Họ thường quây quần cả gia đình vào 3 giờ chiều để cùng xem From All of Us to All of You, bộ phim về chú vịt Donald nổi tiếng (ở Thụy Điển thường gọi là Kalle Anka) chiếu trên kênh Disney.

Đây là chương trình chiếu cố định vào ngày 24/12 kể từ năm 1959. Nếu năm nào nhà đài chuyển hoặc hủy chương trình đều phải chịu sự phản ứng dữ dội từ phía người dân.

3. Hóa thành ác quỷ Krampus

Ở Bavaria, Áo, người ta không cho than vào tất để dọa trẻ em vì cách cư xử không đúng của chúng. Thay vào đó, họ dùng câu chuyện về các quỷ Krampus, người anh em sinh đôi của ông già Noel, kẻ trừng phạt trẻ em hư bằng cách bắt cóc và ăn thịt chúng vào bữa tối ngày Giáng sinh.

Vào ngày 5 hoặc 6/12 những người đàn ông sẽ hóa trang thành ác quỷ Krampus xấu xí, uống rượu say, trên tay là những chiếc gậy và roi chạy vòng quanh thị trấn để đuổi đánh người. Phong tục kỳ quặc này bắt nguồn từ vùng núi Alps của Đức và lan rộng ra khắp Hungary, Bavaria, Slovenia nhưng đặc biệt phổ biến ở Áo.

4. Bôi đen mặt và diễu hành

Ở Hà Lan, ngày Giáng sinh thường được tổ chức một cuộc diễu hành cho những người bôi đen mặt (do chui ống khói) đóng vai các Zwarte Piet.

Theo truyền thuyết Hà Lan, đây là đoàn hộ tống đi cùng Sinterklaas (vai trò giống ông già Noel) để mang các món quà trước Giáng sinh đến những đứa trẻ ngoan và cũng đem những đứa trẻ hư đi.

Một số người phản đối phong tục này vì cho rằng lễ hội "phân biệt chủng tộc". Tuy nhiên đa số người dân Hà Lan coi đây là chuyện bình thường.

5. Không để quà trong tất

Giáng sinh là ngày lễ quan trọng ở Philippines vì có đến 80% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Các lễ hội chào mừng năm mới kéo dài suốt tháng 1. Trẻ em sẽ để những đôi giày đã được đánh bóng trên cửa sổ để nhận quà thay vì dùng tất như ở các nước khác.

Ngày lễ Ba Vua (Feast of the Three Kings) sẽ đánh dấu sự kết thúc dịp lễ Giáng sinh.

6. Trang trí cây chuối Noel

Ấn Độ chỉ có khoảng 2,3% dân số (25 triệu người) theo đạo Thiên Chúa nhưng Giáng Sinh vẫn là một lễ lớn. Người Ấn Độ tổ chức Noel và tặng quà cho nhau giống như các nước khác trên thế giới, tuy nhiên việc trang trí cây cho ngày lễ lại rất khác biệt. Họ thường dùng cây chuối (hoặc xoài) để thay thế cây thông.

Cây chuối cũng có thắp đèn và treo các hình trang trí khác được đặt trong nhà cũng như là trưng bày trên các con phố. Thậm chí họ còn dùng lá chuối để trang trí nhà cửa. Người Ấn Độ cho rằng "cây chuối Noel" sẽ mang lại nhiều may mắn cho họ trong năm mới.

7. Ăn sâu bướm mopane

Một số nước ở miền Nam châu Phi coi sâu bướm là một món ăn đặc biệt và thường chỉ được ăn trong dịp quan trọng như Giáng sinh. Sâu bướm được chế biến bằng cách luộc chín trong nước muối rồi phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị.

Sâu bướm được đóng hộp và bán tại các chợ ở khắp miền Nam châu Phi. Chúng được ưa chuộng và có giá trị dinh dưỡng cao tới mức buôn bán loại thực phẩm này đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá triệu đô ở đây.

Tin liên quan
Tin khác