Cước vận tải container cao kỷ lục
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa có cuộc họp với Cục Hàng hải Việt Nam liên quan đến phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu về giá thuê container tăng phi mã kéo dài từ vài tháng qua.
Tại cuộc họp này, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ bày tỏ bức xúc, bởi hơn 3 tháng nay, giá thuê container rỗng liên tục tăng, lên tới 8.000 USD, thậm chí 10.000 USD/container 40 feet (xuất sang Anh).
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) nhấn mạnh: “Việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3 - 4 lần trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, làm giảm doanh số xuất khẩu”.
Đơn cử, tháng 12/2020, đã có 1 doanh nghiệp Ấn Độ trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu tuyên bố đóng cửa nhà máy. Doanh nghiệp này cho biết, do giá cước tàu biển quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước đây, nên họ đã cho tạm dừng tất cả đơn hàng từ tháng 12/2020.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhựa thậm chí chấp nhận bán hàng gần như không lợi nhuận, nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, lượng hàng tồn kho so với năm 2019 lên đến 50%.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng “phí chồng phí” đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Lý giải việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19, khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Thêm vào đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến, dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, buộc các nước phải đồng loạt áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại, giao thương.
Giá thuê container rỗng tăng cả chục lần là tình cảnh chung của nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam.
Số liệu của sàn giao dịch vận chuyển Shanghai Shipping Exchange (Trung Quốc) cho thấy, tính đến giữa tháng 11/2020, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Singapore là khoảng 802 USD, tăng 370% so với mức giá hồi tháng 10/2020. Chi phí vận chuyển hàng bằng container từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á hiện cũng ở mức cao kỷ lục do thiếu container.
Theo Chỉ số container toàn cầu của Freightos Baltic (FBX), mức bình quân của 12 tuyến vận chuyển container chính trên toàn cầu đã chạm mức cao kỷ lục 2.359 USD/container 40 feet hồi giữa tháng 11/2020, tăng 30% so với hồi đầu tháng 7/2020. Chi phí vận chuyển tăng lên mức cao kỷ lục tại tất cả các tuyến vận chuyển chính.
Khan hiếm container còn kéo dài
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương dự báo, tình trạng thiếu tàu biển, container rỗng có thể kéo dài đến tháng 3/2021. Thậm chí, nếu đại dịch chưa được kiểm soát, tình trạng này có thể kéo dài hơn.
Do đó, Bộ Công thương và một số hiệp hội doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp cần lên kế hoạch và kịch bản ứng phó, hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, tránh ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, sau khi nhận phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng tăng giá bất hợp lý của các hãng tàu, Cục đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá
Theo ông Giang, việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là theo quy luật cung cầu của thị trường, nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải Việt Nam trong việc minh bạch giá. Riêng đối với đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng…, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có những cân nhắc phù hợp.
Có thể thấy, giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động chuẩn bị cho tình huống thiếu container có thể kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế ở nhiều nơi trên thế giới để có kế hoạch trao đổi với đối tác giãn tiến độ giao hàng, đồng thời nghiên cứu việc vận chuyển sang châu Âu bằng đường sắt để tránh phụ thuộc vào đường biển.