Dấu ấn VinFast và các sự kiện niêm yết được kỳ vọng
Sự kiện VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) với giá trị vốn hoá hơn 23 tỷ USD vào tháng 8/2023 đánh dấu bước tiến quan trọng, mở ra hướng đi mới, một kênh gọi vốn quan trọng cho thị trường tài chính Việt Nam.
Trên thực tế, VinFast không phải doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trước đó, năm 2006, Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) từng niêm yết “cửa sau” trên bảng Pink Sheets của thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới này thông qua một SPAC (công ty rỗng được lập với mục đích huy động vốn thông qua IPO), sau đó là sàn OTC-BB vào năm 2008. Tháng 9/2009, Cavico chính thức đặt chân lên sàn Nasdaq, nhưng sau 2 năm, cổ phiếu CAVO của Cavico bị hủy niêm yết do vi phạm yêu cầu liên quan đến công bố thông tin.
Sau “cuộc phiêu lưu” của Cavico, hàng loạt doanh nghiệp Việt, như VNG, Vietjet Air, Bamboo Airways, Thaiholdings, Hoàng Anh Gia Lai, SSI… cũng lên kế hoạch, xúc tiến việc niệm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài.
Mới đây, thông tin từ Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cho biết, dự kiến trong 18 tháng tới, sẽ có các sự kiện niêm yết được kỳ vọng của VNG, Tiki và The CrownX.
- Ông Delano Musafer, Giám đốc Thị trường vốn APAC (Sở Giao dịch chứng khoán New York, Mỹ)
Trong đó, “sáng cửa” nhất là VNG Limited. Doanh nghiệp này đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu
F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vào tháng 8/2023. VNG hiện có vốn hóa 29.500 tỷ đồng (hơn 1,2 tỷ USD) và từng được Quỹ đầu tư Temasek (Singapore) định giá 2,2 tỷ USD vào năm 2019.
Tiki cũng chuẩn bị cho quá trình IPO với việc thành lập Tiki Global tại Singapore vào năm ngoái. Trước đó, giữa năm 2021, Công ty cổ phần Định giá và Tư vấn đầu tư quốc tế định giá Tiki ở mức 13.857 tỷ đồng.
Là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất nằm trong chiến lược Point of Life của Masan Group, The CrownX cũng hướng tới mục tiêu IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 - 2024, với định giá kỳ vọng là 20 tỷ USD.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, với vai trò ngày càng lớn và trong nước đã có những doanh nghiệp tỷ USD. Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, niêm yết trên các sàn ngoại của doanh nghiệp Việt là xu thế tất yếu.
“Tương lai, doanh nghiệp Việt niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại ngày càng nhiều hơn và xu hướng này sẽ càng rõ nét hơn. Ví dụ, những doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, FPT… đã mở rộng thị trường quốc tế thông qua các hoạt động kinh doanh. Trong thời gian tới, nếu họ cần huy động vốn, tôi nghĩ, họ cũng sẽ tính toán đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán tại các quốc gia phát triển”, ông Ngọc nhận định.
Từ một góc nhìn khác, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có “bóng dáng” các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol) của Hàn Quốc và hướng đi niêm yết cũng tương tự cách tiếp cận thị trường vốn nước ngoài của Trung Quốc trước đây.
“Tôi tin rằng, sau VinFast, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam ‘cắm cờ’ trên đất Mỹ, không chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà cả những doanh nghiệp, tập đoàn có yếu tố nhà nước”, bà Lan Anh nói.
Nhận diện cơ hội và rào cản
Việc IPO thành công tại các nước phát triển là ước mơ của nhiều doanh nghiệp Việt nhằm hướng tới phát triển bền vững, tiếp cận nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, việc niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại cũng giải quyết được vấn đề giới hạn room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, thị trường chứng khoán Mỹ là thị trường sôi động hàng đầu thế giới và là “sân chơi” của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Vì vậy, khi tham gia sàn chứng khoán Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và thu hút vốn từ các “đại gia” này. Hơn nữa, đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nâng cao vị thế, hình ảnh, qua đó mở rộng thị trường cho chính mình và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hà cũng lưu ý, khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và vượt qua được các rào cản kỹ thuật, tài chính và pháp lý. Sàn chứng khoán Mỹ có rất nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến báo cáo tài chính, quản lý rủi ro, thông tin công khai và tuân thủ pháp lý. Doanh nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn này để duy trì quyền niêm yết.
Vượt qua các rào cản cũng là vấn đề được bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh (Công ty Chứng khoán DNSE) nhấn mạnh và đề nghị các doanh nghiệp Việt lưu tâm nếu muốn niêm yết trên sàn quốc tế, cụ thể là tại Mỹ. Bởi, thị trường này rất khác với thị trường cận biên như Việt Nam, họ đặt ra các quy định rất ngặt nghèo để bảo vệ nhà đầu tư. Các quy định này chủ yếu quan đến báo cáo tài chính, quản lý rủi ro, thông tin công khai, tuân thủ pháp lý.
Đặc biệt, quá trình niêm yết và duy trì niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng tài chính vững vàng và đủ nguồn lực để chi trả các khoản phí niêm yết, phí tư vấn, các loại thuế phí khác. Ngoài ra, quá trình niêm yết sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức…
TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) khuyến nghị, bên cạnh 2 hai rào cản lớn khi niêm yết trên sàn chứng khoán ngoại là công bố thông tin và chất lượng quản trị, thời gian tới, có thể còn có thêm những thử thách mới. Đó là những tiêu chí tuân thủ và công bố thông tin từ tự nguyện trở thành bắt buộc, như các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Bởi vậy, các công ty sẽ phải cân nhắc kỹ nhu cầu huy động vốn, quảng bá hình ảnh khi tiến hành niêm yết ở nước ngoài.