Thế khó của FPT Retail
Mới đây, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) chính thức cung cấp mạng di động ảo FPT trên toàn quốc với đầu số 0775. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam có sự góp mặt của 5 doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (I-Tel) với đầu số 087; Công ty cổ phần Mobicast (Wintel) với đầu số 055; Công ty cổ phần Viễn thông Asim (Local) với đầu số 089; Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam (VNSky) với đầu số 0777 và FPT Retail (FPT) với đầu số 0775.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến ngày 30/4/2023, tại Việt Nam có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Sau 4 năm, số lượng thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam rất khiêm tốn. Tỷ lệ doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp, với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các mạng di động ảo có thể cạnh tranh để có được thuê bao với nhà mạng lớn.
Những năm gần đây, trước sự phát triển của Internet, thị trường viễn thông đã bị bão hòa, dịch vụ truyền thống (thoại, SMS) suy giảm, rất khó phát triển thuê bao mới. Một số nhà mạng như I-Tel, Local tìm hướng đi vào thị trường ngách, hướng tới nhóm khách hàng là công nhân, học sinh, sinh viên…, nhưng kết quả cũng chưa khả quan.
Khó khăn chung đối với mạng di động ảo FPT cũng như các nhà mạng khác là Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định dừng hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến, nhằm hạn chế việc kích hoạt thuê bao không chính chủ. Quy định này khiến việc phát triển thuê bao của nhà mạng ảo (vốn không có nhiều lợi thế về mạng lưới đại lý và cộng tác viên bán hàng) gặp nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác là mạng di động ảo FPT sử dụng hạ tầng của MobiFone. Ở các thành phố lớn, thì mạng không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu muốn phát triển về các địa phương, thì sẽ khó khăn, bởi vùng phủ của MobiFone chưa rộng khắp, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa.
So sánh giá cước của mạng di động ảo FPT với I-Tel, Wintel, VNSky, Local ở các gói cước cùng loại, thì cùng một mức giá, dung lượng sử dụng của FPT cũng không vượt trội hơn; không có sự cạnh tranh khác biệt về giá hay sự đặc biệt của các gói cước.
Chính vì vậy, sự tham gia của FPT Retail vào thị trường viễn thông nói chung và mạng di động ảo nói riêng được ví như “cuộc thám hiểm” với khá nhiều rủi ro.
Điểm tựa từ hệ sinh thái FPT
Dù gặp nhiều bất lợi, song “tân binh” FPT Retail rất tự tin. Điểm tựa của họ là lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 điểm FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu chiếc điện thoại thông minh và thiết bị IoT các loại, đồng thời là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Cùng với đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của Tập đoàn FPT để phát triển kinh doanh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư về chiến lược phát triển mạng di động ảo FPT, ông Nguyễn Bá Dũng, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh MVNO FPT Retail cho biết, Công ty kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng Tập đoàn để có được hiệu quả cộng hưởng, như: phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp (giải pháp viễn thông dành cho doanh nghiệp), khách hàng hộ gia đình (kết hợp Internet - truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT...
“Chúng tôi sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT và các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi các dịch vụ và khai thác hiệu quả các gói cước đã lựa chọn. Phát huy thế mạnh công nghệ từ Tập đoàn FPT, dịch vụ di động FPT sẽ được ứng dụng những công nghệ tiên tiến như cloud computing, chat BOT, AI... để nâng cao năng lực phục vụ và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, tuân thủ các quy định của ngành viễn thông và tiêu chuẩn cho sự phát triển bền vững”, ông Dũng nói.
Nhóm khách hàng mục tiêu mà FPT Retail nhắm đến là người tiêu dùng trẻ, am hiểu công nghệ, sử dụng dịch vụ dữ liệu lớn, yêu cầu trải nghiệm khách hàng thuận tiện, hiện đại và đón đầu ứng dụng công nghệ mới.
Nhà mạng này đặt mục tiêu kinh doanh cho 3 năm đầu tiên khá “khiêm tốn”, đó là hoàn thành nghiên cứu, triển khai toàn bộ hệ sinh thái các ứng dụng, tiện ích sử dụng hiệu quả gói cước viễn thông di động của người dùng. Trong đó, tập trung vào nhóm khách hàng hiện tại của FPT Retail và Tập đoàn FPT.
Theo kế hoạch, trong 5 năm đầu tiên, mạng di động ảo FPT sẽ tập trung vào các hệ thống nền tảng độc lập, phục vụ riêng cho nhu cầu kinh doanh mạng di động ảo, tạo ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường và tệp khách hàng đặc thù của FPT.
Về cơ chế, chính sách phát triển thị trường mạng di động ảo, đại diện FPT Retail kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai hòa mạng thuê bao viễn thông di động theo hình thức trực tuyến, tạo thuận tiện cho khách hàng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực viễn thông.
“Bên cạnh đó, nên xem xét sửa đổi Luật Viễn thông theo hướng tạo điều kiện hơn cho hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo, cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo không có hạ tầng mạng cũng được phân bổ tài nguyên kho số viễn thông để phát triển kinh doanh…”, đại diện FPT Retail nói.