Từ một bài báo được trích dẫn...
“Báo cáo với đại biểu Vũ Trọng Kim, trường hợp đại biểu phản ánh sẽ được giải quyết sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Tôi tin rằng, các địa phương sẽ có thể triển khai được”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình tại phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024 của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV chiều ngày 29/5/2024. Cùng với câu trả lời trực tiếp, Phó thủ tướng đã báo cáo tiến độ hoàn thiện 14 nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, khoảng 10 thông tư đúng theo tinh thần đưa Luật Đất đai vào thực hiện sớm.
“Chính phủ vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng... Sẽ có giai đoạn chuyển tiếp, song việc thực hiện 4 phương pháp định giá đất sẽ làm được, không có khó khăn”, Phó thủ tướng giải trình trước Quốc hội.
Không chỉ đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đón chờ câu trả lời này.
Trong bối cảnh khó khăn, không ít doanh nghiệp gỗ lại vẫn mắc kẹt ở việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Đức Thanh |
Trước đó, dùng quyền tranh luận của mình trong phiên thảo luận sáng 29/5, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) thể hiện sự bức xúc với những ách tắc trong khâu định giá đất, khiến không ít dự án ngưng trệ, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ông đã dành gần như toàn bộ thời gian phát biểu để dẫn lại thông tin đã đăng tải trên Báo Đầu tư hơn 1 tuần trước.
“Dự án xây chợ ở Hóc Môn, đã được phê duyệt năm 2011, nhưng đến giờ vẫn chưa định được giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã 29 lần gửi thư mời thầu tư vấn thẩm định giá đất, nhưng đều không thành. Sở cũng đã gửi thư mời thầu lần thứ 30, nhưng chưa biết thế nào... Nhưng tắc nghẽn không chỉ ở một dự án tại Hóc Môn, mà còn ở nhiều dự án như Báo Đầu tư số 59 đã nêu...”, đại biểu Vũ Trọng Kim bức xúc.
Như vậy, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thành Chính, chủ đầu tư dự án trên khu đất có diện tích hơn 4.400 m2 được quy hoạch đầu tư xây dựng chợ đã chờ đợi thủ tục giao đất hơn 10 năm qua và hàng loạt dự án có tình trạng tương tự trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mà Báo Đầu tư đăng tải đều trông đợi câu trả lời này...
Điều đáng nói là, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND TP.HCM và các cấp chính quyền nhiều địa phương đã nhìn thấy áp lực phải hoàn thiện phần việc này ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/8/2024 theo tờ trình của Chính phủ với Quốc hội.
Đến những câu hỏi vẫn để ngỏ
Ông Hoàng Hải, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt An lại một lần nữa thể hiện sự khó hiểu khi đọc ý kiến của các đại biểu Quốc hội trên Báo Đầu tư.
“Tôi đọc thấy đại biểu nói ‘tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng do cơ quan thuế áp đặt các điều kiện khắt khe hơn cũng gây ra khó khăn tài chính cho các công ty do dòng tiền eo hẹp’. Mọi việc đã quá rõ ràng, vậy tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế VAT?”, ông Hải đặt câu hỏi.
Là doanh nghiệp kinh doanh bột sắn, Việt An và nhiều doanh nghiệp trong ngành đã rơi vào tình trạng hồ sơ hoàn thuế bị đưa sang cơ quan công an để điều tra, đã có kết luận hoạt động xuất khẩu là có thật, nhưng vẫn chưa được hoàn thuế. Tình trạng này đã kéo dài 2-3 năm.
Cũng không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn có câu hỏi này. Trong cuộc làm việc đầu tháng 6/2024 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) lại phải nhắc lại kiến nghị “hoàn thuế VAT” đã gửi tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vào năm ngoái.
“10% thuế VAT đang bị đọng do thủ tục hoàn thuế là rất quý trong lúc này, đề nghị các cơ quan giải quyết triệt để”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Vifores tha thiết.
Vẫn phải nhắc lại, cuối tháng 10/2023, sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xuất khẩu”, trong đó nhắc đến thời điểm trước ngày 31/12/2023, giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp không có cơ sở để dừng hoàn theo quy định của pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cơ quan thuế có văn bản trả lời rõ ràng về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó ban hành quyết định hoàn, nếu đã đủ điều kiện. Trường hợp cơ quan thuế cho rằng, không đủ điều kiện hoàn, thì ban hành văn bản về việc không giải quyết hoàn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Tuy nhiên, thời hạn đã qua nửa năm, tiến độ công việc đã không được đảm bảo theo yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp đã phải tìm hướng khác. Đáng nói là, có những doanh nghiệp đã tìm được địa phương khác thuận lợi hơn trong hoàn thuế để đặt trụ sở mới...
Khi niềm tin cần chỗ dựa
Bức thư cầu cứu của các doanh nghiệp thép không gỉ gửi đến Quốc hội ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã được đăng tải trên Báo Đầu tư sau đó vào ngày.
Khi chia sẻ bức thư đề địa chỉ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh với chữ ký và con dấu của 41 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cho phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhóm doanh nghiệp nói: “Chúng tôi tin các đại biểu Quốc hội sẽ đọc được nỗi khổ cực của các doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động vì một quyết định không phù hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, để thúc đẩy bộ này thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp”, vị đại diện gửi gắm.
Không phải lần đầu, các doanh nghiệp thép không gỉ tìm đến Báo Đầu tư. Khác với những doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp có đại diện là hiệp hội ngành hàng, nhóm doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, chỉ mới tập hợp lại sau những khúc mắc trong việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật 20:2019/BKHCN (QCVN 20:2019) về thép không gỉ (QCVN 20:2019) được ban hành năm 2019.
Chính vì vậy, suốt thời gian qua, kể cả 2 lần Bộ Khoa học và Công nghệ lui thời gian hiệu lực của QCVN 20:2019 cũng như việc bộ này lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ngưng hiệu lực thi hành quy chuẩn này, với thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3/2024, các doanh nghiệp thường dựa vào báo chí để gửi gắm ý kiến, tìm kiếm sự đồng hành.
Mọi việc những tưởng đã có đường ra, khi cuối năm ngoái, các doanh nghiệp nhận được Công văn số 4473/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ngưng hiệu lực thi hành Quy chuẩn QCVN 20:2019, với thời gian áp dụng dự kiến là từ ngày 1/3/2024. Cùng với đó là thông tin về việc xây dựng tiêu chuẩn thép không gỉ có hàm lượng niken thấp, mangan cao... Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lý giải việc này là để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thép không gỉ.
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 5/2024, tình hình lại rơi vào im lặng.
“Không hiểu vì lý do gì mà Bộ Khoa học và Công nghệ trì hoãn không ra văn bản kể trên”, các doanh nghiệp đặt vấn đề. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục doanh nghiệp tiếp tục phải dừng hoạt động, nhiều làng nghề cơ khí trên cả nước thiếu nguyên liệu để sản xuất, người lao động có tay nghề hoặc mất việc làm hoặc buộc phải chuyển đổi sang công việc khác do thu nhập thấp...
Những tuyến bài kêu khó cùng doanh nghiệp chưa thể dừng lại
Chỉ có 27% doanh nghiệp tư nhân cho biết sẽ mở rộng hoạt động trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Đây là kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với hơn 9.000 doanh nghiệp trong khung khổ Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đáng nói là, con số 27% này thấp hơn cả mức đáy trước đó là năm 2012-2013, khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Lý do của những khó khăn vẫn là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường... Tuy nhiên, biến động chính sách, pháp luật vẫn tiếp tục đứng trong nhóm các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp liệt kê khi tham gia khảo sát PCI 2023. Đáng lưu ý, có 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng so với con số 50,4% của năm 2022. Chỉ có 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán”, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021.
Rõ ràng, khi doanh nghiệp còn khó bởi môi trường kinh doanh chưa thực thuận lợi, khi các cấp chính quyền nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng chủ trương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì các bài viết ở phía doanh nghiệp, đi cùng khó khăn của doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục...