Thông tin từ Nikkei Asia cho biết, số lượng start-up kỳ lân “mới nở” (được định giá từ 1 tỷ USD trở lên và chưa niêm yết trên sàn chứng khoán) giảm mạnh trên toàn thế giới, khi các nhà đầu tư có xu hướng sợ rủi ro trong bối cảnh mối lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế đang thắt chặt dòng tiền tại Mỹ và nhiều nơi khác.
Khi nguồn tiền cạn dần, số lượng start-up kỳ lân mới xuất hiện trung bình hàng tháng đã giảm xuống còn 7,3 công ty trong nửa đầu năm nay, tương đương mức giảm 80% so với đỉnh 50,5 công ty trong cả năm 2021, theo dữ liệu từ PitchBook. Tại Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang việc phát hiện và nuôi dưỡng các start-up có triển vọng, hơn là tìm kiếm cơ hội đầu tư để thu lợi nhuận ngắn hạn.
Vào cuối tháng 6, IRL - start-up ứng dụng nhắn tin của Mỹ, quyết định đóng cửa sau khi có thông tin cho rằng start-up này giả mạo số lượng người dùng. Được định giá 1,17 tỷ USD vào năm 2021 khi nhận vốn từ Quỹ đầu tư Vision của Tập đoàn SoftBank, IRL từng tuyên bố ứng dụng của họ có tới 20 triệu người dùng. Tuy nhiên, vào tháng trước, một phát ngôn viên của công ty đã thừa nhận rằng 95% người dùng chỉ là ảo.
Không chỉ IRL, nhiều start-up kỳ lân khác cũng ngã xuống. Zume - start-up tại Mỹ với hoạt động sản xuất bánh pizza bằng robot, đang trong quá trình thanh lý dù từng được định giá 2,25 tỷ USD vào năm 2018.
Vào năm 2021, mỗi tháng, trung bình thế giới chứng kiến sự ra đời của 50 start-up kỳ lân, tập trung chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc, theo PitchBook. Số lượng start-up kỳ lân tăng mạnh khi Quỹ Vision của SoftBank và nhiều nhà đầu tư khác đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sau.
Theo Nikkei, các nhà đầu tư đóng vai trò khác nhau trong mỗi giai đoạn tăng trưởng của những công ty non trẻ. Nhà đầu tư ở giai đoạn hạt giống giúp start-up “nảy mầm”, trong khi những nhà đầu tư ở giai đoạn đầu sẽ cung cấp nền tảng tài chính để start-up thiết lập mô hình kinh doanh. Còn các nhà đầu tư giai đoạn sau sẽ hỗ trợ startup gia tăng sản lượng và thị phần.
Trong những năm bong bóng kỳ lân bùng nổ, một số nhà đầu tư nhanh chóng nhập cuộc với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của start-up. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi mạnh mẽ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào mùa xuân năm 2022. Theo số liệu từ Dealogic, năm 2022, các đợt IPO tại Mỹ đã huy động được tổng cộng 22 tỷ USD, giảm hơn 90% so với năm 2021.
Sang đến năm nay, hoạt động đầu tư vẫn trì trệ do sự thắt chặt tiền tệ của Mỹ khiến các nhà đầu tư không dám chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu của start-up kỳ lân giảm giá trị sau khi lên sàn.
Quỹ Vision của SoftBank là nhà đầu tư đứng sau nhiều startup kỳ lân trên thế giới. |
Khi không thể thu hồi khoản đầu tư của mình thông qua hình thức IPO, các quỹ sẽ cắt giảm khoản mục đầu tư, từ đó giáng những đòn đánh nặng nề vào kỳ vọng của giới start-up kỳ lân. PitchBook ước tính các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đã chi tổng cộng 39,8 tỷ USD trong quý II/2023, giảm 48% so với quý trước đó.
Bất chấp những tín hiệu tiêu cực, một số nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon vẫn giữ cái nhìn lạc quan về thị trường khởi nghiệp.
Lu Zhang, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Fusion Fund, cho biết: “Nguồn vốn và cơ hội đầu tư đều đang phân cực. Các công ty hoạt động hiệu quả và có khả năng huy động vốn dựa trên thực lực đều nhận được nhiều vốn hơn mức trung bình của năm 2022".
Lu Zhang cũng chỉ ra rằng, nhiều nhà sáng lập nối tiếp nhau cho ra mắt các startup mới. "Những nhà sáng lập đó có thể xếp vào lớp người giỏi top đầu ở Thung lũng Silicon. Họ đã quan sát thị trường trong một thời gian dài và bây giờ là thời điểm tốt để họ nhảy vào."
Trong khi các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sau gặp khó khăn với việc huy động vốn, các start-up giai đoạn hạt giống tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư ở xứ cờ hoa. Quy mô trung bình của các vòng rót vốn hạt giống trong nửa đầu năm nay đạt 2,9 triệu USD/thương vụ, khi các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào việc nuôi dưỡng thế hệ startup kế tiếp.
Martin Pichinson, đồng sáng lập và đồng Chủ tịch Công ty tái cơ cấu Sherwood Partners, nhận thấy một "sự bung lụa" đang diễn ra trong lĩnh vực khởi nghiệp. "Tôi thấy nhiều điều mới mẻ và thú vị từ các start-up làm về trí tuệ nhân tạo. Nhưng trước hết chúng ta phải dọn sạch tàn dư cũ, loại bỏ những gì đã có và tiết kiệm tiền để xây dựng những điều mới," Pichinson nói.
Trong quá khứ, mỗi khi gặp khó khăn, ví dụ bong bóng dotcom hay khủng hoảng tài chính toàn cầu sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, hệ sinh thái khởi nghiệp lại vượt qua và sinh ra nhiều nhóm ngành mới. Vì vậy, Nikkei cho rằng, các nhà đầu tư mạo hiểm trên khắp toàn cầu đều đang lặng lẽ quan sát xem điều gì sẽ xảy đến, sau khi giới start-up kỳ lân gặp khủng hoảng, và ai sẽ người tiếp theo dẫn đầu xu hướng.