Xu hướng M&A vào nông nghiệp
Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Việt Nam gần như bội thực bởi các dự án trăm hoa đua nở của xu hướng đầu tư gọi là sạch, hữu cơ (hay organic). Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán, trong thời gian tới sẽ xuất hiện làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp organic, doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ chế biến nông sản, thuỷ hải sản…
Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu. Khi đầu tư vào ngành này, các nhà đầu tư thường gặp khó khăn về quỹ đất và thủ tục mất thời gian. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào các ngành nông nghiệp sạch, thực phẩm chế biến sạch đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước săn đón. Và xu hướng này trở thành “phao cứu sinh” cho một nền nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Dự kiến thời gian tới sẽ xuất hiện làn sóng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong chế biến nông sản, thủy, hải sản… |
Điển hình, Công ty CJ Cheil Jedang (Hàn Quốc) cho biết sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp, hoặc mua lại một số công ty thực phẩm tại Việt Nam, với mục tiêu biến Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ hai (sau Trung Quốc) tại nước ngoài. Hiện CJ Cheil Jedang đã có một trang trại, 4 nhà máy chế biến và một điểm bán lẻ tại Việt Nam.
Xu hướng M&A để đột phá vào nông nghiệp, thực phẩm sạch cũng được nhiều tên tuổi trong nước coi là chiến lược trọng tâm, điển hình như Tập đoàn PAN. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty SSI và Tập đoàn PAN, giờ là lúc PAN tập trung mua những tài sản xấu, những công ty đang kinh doanh không tốt với giá rẻ để đưa vào hệ thống của PAN theo mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” hay công thức Farm - Food - Family (3F).
“Chúng tôi chỉ M&A những công ty đã có thương hiệu mạnh trong ngành, sau đó đầu tư vào để hỗ trợ và phát triển cho các hoạt động của công ty đó hiệu quả hơn, kết quả kinh doanh tốt hơn trên thị trường ở ngành, lĩnh vực đó”, ông Hưng chia sẻ.
Tính đến thời điểm này, PAN đã đầu tư vào 5 thương vụ M&A với Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương (NSC), Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), Công ty cổ phần Bibica, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC).
Dự án trồng hoa cúc là bước đầu tiên tên tuổi này tham gia lĩnh vực sản xuất hoa và rau thông qua công ty con là PAN-SaladBowl, có sự tham gia góp vốn của đối tác Nhật Bản, trong đó The Tập đoàn PAN chiếm tỷ lệ chi phối. Trong lĩnh vực này, PAN-SaladBowl phát triển thông qua việc đầu tư các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng phân khúc thị trường đang rất thiếu.
Đặc biệt, tháng 6/2016, PAN Food - công ty con của The Tập đoàn PAN đã mua thành công trên 20% cổ phần của Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang và chính thức đưa công ty này trở thành một trong các công ty liên kết của mình. Công ty này đang sở hữu thương hiệu 584 Nha Trang, thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực nước mắm truyền thống.
Được biết, tổng giá trị mà PAN đầu tư vào các công ty trên là 1.939 tỷ đồng. Các công ty sau khi M&A đều có những kết quả kinh doanh nổi bật và tốt hơn trước. Đơn cử là Công ty LAF, sau 1 năm kể từ khi PAN tham gia, đã từ lỗ chuyển thành có lãi và trở thành công ty xếp thứ 2 sau công ty thu mua của OLAM tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup là tên tuổi không thể bỏ qua trong việc đầu tư vào vòng đua 3F. Ba mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Vingroup là sản xuất các sản phẩm rau, quả sạch cho thị trường; áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí sản xuất và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Năm 2015, tập đoàn này đã đầu tư 2.000 tỷ đồng thành lập Công ty VinEco chuyên sản xuất rau sạch tại khắp các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai. Trong đó, Vingroup nắm giữ 70% vốn, với vốn góp 1.400 tỷ đồng vào công ty này. Mục tiêu mà Vingroup hướng tới là sản xuất các sản phẩm rau, quả sạch cho thị trường; áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí sản xuất và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTN) cũng đang có những động thái mạnh mẽ lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua M&A nhờ tận dụng làn sóng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Hiện GTN đã trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) với 75% vốn, nắm 12% vốn Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) và 35,4% vốn Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).
Hai lợi thế của nhà đầu tư tài chính
Theo giới phân tích, đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả có 3 cách: đầu tư trên quy mô rộng, triển khai cánh đồng mẫu lớn; với nhóm doanh nghiệp muốn đầu tư theo chuỗi, thì phải thành lập công ty liên kết và xây dựng nguyên liệu ổn định; thông qua M&A. Với hình thức M&A, có thể doanh nghiệp không cần nghiên cứu đầu tư bài bản ngay từ đầu, song đòi hỏi lớn về vốn. Điều này hàm ý rằng, không phải nhà đầu tư tay ngang nào vào nông nghiệp cũng thành công.
Điển hình là trường hợp Tập đoàn Hòa Phát, trong hơn 20 năm phát triển, tên tuổi này đã nhiều lần dấn thân vào lĩnh vực mới, từ thiết bị xây dựng, thép, nội thất, điện lạnh đến bất động sản... Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dù đã nghiên cứu nhiều năm trước, nhưng khi bắt tay vào làm, Hòa Phát phải chịu áp lực cạnh tranh với nhiều công ty đa quốc gia tên tuổi, lọc lõi tại thị trường Việt Nam. Hậu quả là, kết thúc quý I/2016, các mảng kinh doanh của Hòa Phát đều khả quan, duy chỉ có mảng nông nghiệp báo lỗ gần 14 tỷ đồng.
Giới phân tích M&A cho rằng, bất cứ đại gia nào cũng có thể lấn sân vào nông nghiệp thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên, nhìn vào các thương vụ trong lĩnh vực nông nghiệp theo cả ngành dọc và ngang trong thời gian qua, có thể thấy rõ những lợi thế của một nhà đầu tư tài chính lọc lõi hơn là một doanh nghiệp đơn thuần mạnh về tài chính. Và khi một nhà đầu tư am hiểu về tài chính đầu tư vào nông nghiệp sẽ có 2 lợi thế.
Trước hết, ở đầu vào, nhà đầu tư sẽ có lợi thế trong việc tìm kiếm thông tin cơ bản liên quan tới thương vụ. Họ sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm đánh giá rất kỹ lưỡng trên góc độ tài chính đối với doanh nghiệp dự kiến mua, cũng như khả năng thành công của thương vụ; có khả năng tìm kiếm và huy động các nguồn đầu tư quốc tế hoặc có uy tín để đầu tư cho quá trình tăng vốn, cũng như sau này kết nối các nguồn hỗ trợ kỹ thuật quốc tế như World Bank, Temasek…
Sau nữa, ở góc độ đầu ra hay quá trình triển khai, nhà đầu tư lọc lõi về tài chính sẽ chia sẻ và tham gia quản lý dòng tiền tốt hơn (tham gia cơ chế quản lý, giám sát tài chính) tại công ty M&A đó. Tăng tính hiệu quả trong quá trình đánh giá đầu tư của bản thân các doanh nghiệp được mua lại (đầu tư chắc chắn hơn, ít mạo hiểm hơn); dễ kết nối hoặc huy động các nguồn lực, sự hỗ trợ tài chính và chuyên môn của các tổ chức quốc tế để đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế; đánh giá và hiểu rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của hình ảnh, thương hiệu đối với các doanh nghiệp và sản phẩm của các doanh nghiệp.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D - Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM).
Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này. Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.
Ngoài diễn đàn chính, Chương trình Kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…