| ||
Khai mạc Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
“Nền kinh tế đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt 5,03%, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 28,5% GDP (chỉ tiêu là 33,5% GDP) - là năm có tỷ trọng vốn đầu tư thấp nhất kể từ năm 2000; dư nợ tín dụng cả năm chỉ đạt 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh của dư nợ tín dụng từ 31% năm 2010 xuống còn 14,41% trong năm 2011.
Trong 4 tháng đầu năm 2013, trong khi tổng số dư tiền gửi tăng 5,04% thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,44%; GDP (quý I) ước tăng 4,89%; chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng hơn 13% so với kỳ năm trước; khoảng 3.000 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục giải thể, 16.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011...
Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Tình hình này có thể nói kinh tế đang hết sức khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với nhận định của Chính phủ và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Đáng lưu ý là xu hướng khó khăn đang ngày nghiêm trọng hơn cả về lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội”.
Đi vào phân tích cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, để tốc độ tăng trưởng GDP thêm 1% thì tín dụng phải tăng trưởng 2,5 - 3%. Như vậy, năm nay tốc độ tăng trưởng tín dụng ít nhất cũng phải 14-15% thì mới mong GDP tăng trưởng 5,5% như mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Trong 4 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,44% sẽ dồn áp lực cho 8 tháng còn lại của năm 2013 rất lớn. Với bối cảnh hiện nay, theo ông Hiển rất khó bảo đảm được tốc độ tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay.
“Dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,44% trong khi huy động vốn tăng trên 5% trong bối cảnh lãi suất cả huy động lẫn cho vay đã liên tục được giảm xuống. Điều này cho thấy tiền đang nằm ở hệ thống ngân hàng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Tình trạng này có thể nói là vô cùng nguy hiểm vì hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, tốc độ tăng trưởng kinh tế mới đạt 4,89% nên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm nay có thể nói là vô cùng khó khăn sẽ gây áp lực nên tất cả các chính sách vĩ mô khác từ an sinh xã hội, bảo đảm bội chi, bảo đảm cân đối thu - chi, giải quyết công ăn việc làm...
Vì sao nền kinh tế gặp khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn những năm trước? Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là do nợ xấu vẫn là “nặng nợ”, hàng tồn kho tiếp tục chất đống khiến doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động gia tăng.
“Trước đây doanh nghiệp than phiền tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất quá cao, nhưng giờ thì doanh nghiệp cho biết họ không biết vay tiền để làm gì khi mà hàng sản xuất ra không bán được. Ngoài những doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng hoạt động thì còn có khoảng 50% số doanh nghiệp đang hoạt động bị thua lỗ thì ngân sách lấy gì mà thu, lấy tiền đâu để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, làm sao để giải quyết việc làm cho người lao động”, bà Ngân lo ngại.
Trong khi đó, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề: “Cách đây 4-5 năm, năm nào chúng ta cũng nhận định kinh tế gặp khó khăn, năm sau khó khăn hơn năm trước. Năm 2012 đã tưởng là đáy của khó khăn, nhưng năm 2013 lại nhận định là còn khó khăn hơn năm 2012. Tình trạng này nếu không có giải pháp tháo gỡ thì năm 2014, 2015… chúng ta lại nhận định còn khó khăn hơn năm 2013”.
“Căn nguyên của khó khăn ai cũng biết đó là hàng tồn kho, tín dụng bị ứ đọng. Nếu không giải quyết ngay được vấn đề này thì doanh nghiệp tiếp tục phá sản, ngừng hoạt động”, ông Lý phát biểu.
“Nếu không có quyết sách kịp thời, táo bạo để xử lý ngay những khó khăn của nền kinh tế thì khó khăn tiếp tục chồng chất. Điều này kéo dài thì thực sự đáng lo ngại cho tương lai của nền kinh tế”, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ quan điểm.
Theo bà Doan, mấu chốt của mọi khó khăn chính là tín dụng tăng trưởng chậm khiến đầu tư giảm; sức mua giảm, hàng tồn kho tăng; doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động tăng…
“Ngân hàng “ôm một đống tiền”, rất muốn cho vay nhưng không thể cho vay được vì doanh nghiệp còn đang nợ quá hạn với ngân hàng. Chúng ta liệu có mạnh dạn đưa ra cơ chế cho phép ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cũ và tiếp tục cho vay nợ mới không? Hoạt động sản xuất, kinh doanh “căng” lắm rồi, nếu không thực hiện ngay giải pháp này thì sang năm doanh nghiệp giải thể, phá sản “vợi”, làm gì có ai vay vốn ngân hàng nữa”, bà Doan nói.
“Các giải pháp cứu doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là miễn, giảm, gia hạn thuế. Thực tế cho thấy những giải pháp này đạt hiệu quả không cao. Vì thế, phải tính ngay tới giải pháp của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nếu không sản xuất, kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn hơn”, ông Phan Trung Lý đề xuất.
Mạnh Bôn