Doanh nghiệp
Khó khăn vẫn đè nặng doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 26/05/2024 09:36
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khó khăn đè nặng lên doanh nghiệp suốt thời gian qua khiến doanh nghiệp khó phát triển.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Thưa ông, trái với gam màu sáng trong hoạt động xuất - nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bức tranh về doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay có gam màu khá trầm?

Những khó khăn đè nặng lên doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến tình hình phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm trong suốt 4 tháng đầu năm nay, khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp 1,5 lần doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 14.150 lượt doanh nghiệp tăng vốn, nếu cộng cả số vốn này với vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2023 và nếu trừ đi mức lạm phát 3,93% trong 4 tháng đầu năm, thì số vốn bổ sung vào nền kinh tế còn thấp hơn nhiều.

Các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn từ môi trường bên ngoài, mà nội lực của họ cũng chưa được cải thiện, khi quy mô và “tuổi thọ” giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường là nguyên nhân nội tại. Tôi cho rằng, đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung - dài hạn. Nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực để tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái.

Tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay giải quyết từ nhiều phía. Hy vọng, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Năng suất lao động chưa được cải thiện cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Trong mấy năm gần đây, hầu như không năm nào đạt mục tiêu tăng năng suất lao động. Năm 2023, Quốc hội đặt mục tiêu tăng năng suất lao động 5 - 6%, nhưng báo cáo đánh giá lại tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho biết, năm 2023, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 3,65%, thấp hơn năm 2022 (đạt 4,8%). Đây là tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ở góc nhìn khác, tình hình ảm đạm trong hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư tư nhân yếu không những tác động tới khả năng phục hồi tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chỉ tiêu vĩ mô về năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mức độ chênh lệch giữa năng suất thực tế và mục tiêu ngày càng có khoảng cách lớn, nếu không có đột biến, thì năng suất lao động của Việt Nam không thể đuổi kịp các nước trong khu vực.

Sau nhiều năm được kiểm soát theo đúng định hướng, tỷ giá đang “nóng” trở lại… Theo ông, áp lực tỷ giá liệu có kéo dài?

Cuối năm 2023, tỷ giá trung tâm là 23.866 VND/USD, tăng gần 1,1% so với cuối năm 2022. Bước sang năm 2024, tỷ giá VND/USD diễn biến căng thẳng. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, tỷ giá VND/USD đã tăng hơn 4,4%.

Gần đây, áp lực tỷ giá hạ nhiệt hơn sau những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “bóng gió” về việc sớm hạ lãi suất điều hành, hay số liệu về giải ngân FDI 4 tháng đầu năm đạt gần 6,3 tỷ USD, cán cân thương mại 4 tháng đầu năm thặng dư 8,4 tỷ USD.

Nhìn lại năm 2023, mặc dù chênh lệch lãi suất đã bắt đầu xuất hiện, nhưng tỷ giá chưa quá căng. Đó là do Việt Nam tăng xuất siêu, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ. Sang năm 2024, các hoạt động kinh tế “ấm” dần, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, làm tăng áp lực tỷ giá.

Điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định, mà là linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến Fed chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không trong một vài tháng tới. Ngoài ra, một số nền kinh tế tăng lãi suất điều hành, như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm, nên rất khó dự đoán tỷ giá biến động thế nào từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết tâm kiểm soát tỷ giá, bởi nếu tỷ giá biến động quá mạnh, vượt tầm kiểm soát sẽ tác động ngay tới việc ổn định kinh tế vĩ mô, trả nợ nước ngoài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Là “cường quốc” về xuất khẩu, Việt Nam được hưởng lợi như thế nào khi tỷ giá biến động tăng, thưa ông?

Về lý thuyết, khi VND mất giá sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, vì giá bán hàng bằng USD sẽ giảm. Ví dụ, 1 kilogram tôm tại Việt Nam có giá 500.000 đồng, quy đổi theo tỷ giá 24.500 VND/USD, thì có giá tương đương 20,4 USD/kg. Khi VND mất giá 4%, theo đó tỷ giá tăng lên 25.500 VND/USD, thì 1 kilogram tôm xuất khẩu chỉ còn 18,5 USD. Như vậy, rõ ràng hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn, sức cạnh tranh cao hơn so với các nước có tỷ giá biến động thấp hơn.

Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều. Khi tỷ giá tăng, giá nguyên - nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng... là đầu vào cho hoạt động sản xuất tăng, giá thành sản xuất tăng, thì các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công không được hưởng lợi.

Ngoài ra, tỷ giá tăng tác động rất tiêu cực đến kiểm soát lạm phát. Nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra, tại Việt Nam, nếu VND mất giá 1% so với USD, thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng gần 4,5% đã đóng góp vào lạm phát ít nhất 1,5%. Chưa kể, tỷ giá tăng sẽ kéo giá xăng dầu tăng theo, vì phải nhập khẩu bằng USD và tiêu thụ ở thị trường trong nước bằng VND.

Tin liên quan
Tin khác