Lượng hàng hoá nhập về các chợ đầu mối của TP.HCM trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 có thể tăng từ 20 đến 25%. |
Khó khăn từ nhiều năm
Ông Tsàn A Sìn, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, dự kiến trong 10 đêm cận Tết Nguyên đán, lượng hàng hoá nhập về đây có thể tăng 20-25% so với ngày thường. Đặc biệt, trong dịp cao điểm nhất (27 và 28 tháng Chạp), lượng hàng hóa có thể tăng từ 50 đến 60%, đạt khoảng 3.600-4.000 tấn/đêm, riêng mặt hàng thịt heo, rau củ có thể tăng hơn 2 lần và trái cây gấp 4 lần so với ngày thường. Trong khi đó, nguồn cá biển sẽ giảm dần do các tàu đánh bắt xa bờ ngưng hoạt động.
Bên cạnh việc đảm bảo lượng hàng hoá cung ứng trong dịp Tết và ổn định giá cả, Ban lãnh đạo chợ đầu mối Bình Điền đang gặp phải những khó khăn tồn tại từ nhiều năm nay. Đó là hàng hoá từ các tỉnh nhập về chợ chưa được kiểm tra, kiểm soát từ gốc (trừ sản phẩm từ động vật), chưa được sơ chế tại nguồn, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Ví dụ, rau củ quả, nghêu sò… khi về chợ vẫn còn dính bùn đất, cần phải sơ chế. Lượng phế phẩm, bùn đất sau sơ chế khiến công tác vệ sinh, khai thông cống rãnh gặp khó khăn, phải liên tục thực hiện và tốn nhiều chi phí.
Vấn đề kiểm soát an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khó khăn bởi chợ Bình Điền chưa có hàng rào xung quanh. Nguyên nhân là việc quy hoạch khu dân cư xung quanh chợ chưa đồng bộ và triệt để, vẫn còn quy hoạch treo, khiến các hộ dân không có đường đi nên phải lưu thông trong chợ. “Chúng tôi đã phối hợp với công an địa phương, nhưng chưa thể kiểm soát việc bán hàng rong ngoài khuôn viên. Việc kiểm soát hàng hoá, an ninh trật tự và hạn chế tội phạm cũng rất khó thực hiện”, ông Tsàn A Sìn chia sẻ.
Tương tự, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng gặp nhiều trở ngại trong việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại chợ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho rằng, để hạn chế tối đa hàng hoá vi phạm về an toàn thực phẩm, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cần xử lý tận gốc, không chỉ với người kinh doanh mà cả người sản xuất ra chúng.
Vẫn còn số ít chưa thực hiện tốt quy định an toàn thực phẩm
Chợ nông sản Thủ Đức (nhập hơn 1,3 triệu tấn rau củ quả trong năm 2018) cũng đã chuẩn bị hàng hoá sẵn sàng phục vụ dịp Tết. Hiện lượng hàng hóa bình quân mỗi ngày nhập về chợ khoảng 3.700 tấn. Đặc thù của chợ là chuyên kinh doanh các loại rau củ, hoa quả, nên việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm cũng thuận lợi hơn.
Được biết, Ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp với Đội 2 - Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức kiểm tra, giám sát hàng hóa của thương nhân toàn chợ. Gần 1.000 thương nhân tại chợ cũng đã ký cam kết không sử dụng hoá, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại..., cũng như sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
“Đại bộ phận thương nhân chấp hành tốt các quy định an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn một số ít chưa thực hiện đầy đủ việc ghi chép sổ nguồn gốc hàng hoá, khám sức khoẻ hàng năm… Ngoài ra, việc vận động thương nhân tham gia xây dựng thương hiệu cá nhân gặp nhiều khó khăn do họ chưa thấy được lợi ích của việc làm này”, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức nói.
95% hàng hóa có nguồn gốc trong nước
Chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động từ năm 2005, kinh doanh trên 120 mặt hàng tươi sống từ thịt heo, rau củ quả… Lượng hàng hoá nhập chợ bình quân 2.700 tấn/ngày đêm, với tổng giá trị ước đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, thịt heo khoảng 400 tấn (5.500 con), trái cây khoảng 500 tấn và rau củ quả khoảng 1.800 tấn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, 95% hàng hoá nhập chợ có nguồn gốc trong nước, 4% từ Trung Quốc và 1% nhập khẩu từ các quốc gia khác.