Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, tốc đô thị hóa nhanh, lại thiếu quy hoạch và quản lý tổng thể đã dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh, như sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Trong đó, Thủ đô Hà Nội là một trong những thành phố đang phải gánh chịu những hậu quả này.
Thành công nổi bật của các khu đô thị mới đầu tiên như Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính…, đã đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu nhà ở theo hướng hiện đại, đa dạng hóa lựa chọn cho một thành phố đang bước vào chu kỳ phát triển nhanh như Hà Nội. Thế nhưng, đó chỉ là điểm tích cực hiếm hoi mà những khu đô thị mới này mang lại, bởi các đồ án quy hoạch khu đô thị mới coi trọng việc tạo lập nhà ở, phát triển thị trường bất động sản hơn là việc chú trọng các yếu tố xã hội, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho cư dân.
Hệ lụy dễ thấy nhất là đa phần các khu đô thị mới đã và đang được xây dựng luôn trong tình trạng thiếu cây xanh và không gian công cộng, kể cả các khu đô thị kiểu mẫu trước đó như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm… Thậm chí, tại Linh Đàm, nhiều phần đất trồng cây xanh đã bị người dân tận dụng biến thành vườn rau. Các khoảng lùi của nhà ở bị lấn chiếm xây công trình kiên cố. Nhiều vỉa hè biến thành quán nhậu, trà đá, cafe, trông giữ xe…
Điểm đáng buồn hơn là việc các dự án vi phạm về quy hoạch chi tiết, tự ý điều chỉnh công năng, cơi nới tầng, tăng mật độ dân số xây dựng, lấn chiếm khoảng không lưu, tăng diện tích xây dựng nhà ở…, dẫn đến phá vỡ không gian, cảnh quan kiến trúc toàn khu. Thế nhưng, điều lạ là ngay cả khi phát hiện vi phạm quy hoạch rõ rành rành, các dự án này vẫn được triển khai, vẫn mở bán nhà rầm rộ.
Ngoài những vấn đề nêu trên, còn một nỗi lo nữa là áp lực hạ tầng giao thông tại các tuyến đường, nơi có các dự án bất động sản triển khai như Tam Trinh, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bình, Triều Khúc, Khương Trung…
Các chủ đầu tư cứ thi nhau xây dự án, cơ quan quản lý cấp phép cho nhiều dự án, mà chưa quan tâm đầy đủ tới việc các dự án này gây áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông và xã hội của các khu vực này như thế nào.
Tình trạng các phương tiện tránh nhau vượt lên cả vỉa hè, gây rối loạn vào giờ cao điểm do mật độ giao thông quá dày đặc, trong khi nhiều cung đường hẹp, chưa được cải tạo, mở rộng, có thể thấy thường xuyên tại những tuyến đường kể trên. Thậm chí, việc xe ra vào công trường lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông cũng thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên, dù biết tình trạng này, nhưng có vẻ đây vẫn là vấn đề mà các nhà quản lý đau đầu chưa thể nghĩ ra giải pháp rốt ráo. Trong phần chất vấn các thành viên Chính phủ tại Quốc hội ngày 17/11 vừa qua, vấn đề quy hoạch đô thị được một số đại biểu bức xúc nêu ra.
Trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra khá đúng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “loạn” trong quy hoạch và phát triển đô thị. Theo ông Dũng, tình hình ùn tắc giao thông ngày càng tệ có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất đó là do xu hướng tập trung hóa đô thị, dịch chuyển dân cư một cách cơ học. Chẳng hạn, tại quận Đống Đa, Hà Nội có mật độ bình quân 40.000 người/km2, trong khi Paris nổi tiếng là thành phố đông đúc trong các nước phát triển cũng chỉ có 20.000 người/km2. Thứ hai, hệ thống giao thông còn quá nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư hạn chế. Thứ ba, sự gia tăng rất mạnh phương tiện cá nhân, khiến hạ tầng đang lạc hậu bị quá tải.
Vấn đề còn lại là giải pháp nào để giải quyết rốt ráo các nguyên nhân này?
Nhiều người chia sẻ với nỗi niềm của vị "tư lệnh" ngành xây dựng, bởi từ quy hoạch chung cho từng vùng sẽ phân thành quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông... và một mình ngành xây dựng không thể cáng đáng.
Nhưng điều có thể làm, có thể giám sát là cần nghiêm khắc hơn với các dự án cụ thể có sai phạm. Chẳng hạn, câu chuyện Dự án 8B Lê Trực dù là xử lý "chuyện đã rồi" nhưng cũng có tác dụng cảnh báo tới không ít chủ đầu tư... toan làm liều!