Hôm nay (3/8), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bước sang giai đoạn 2.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại cuộc họp này, Chính phủ sẽ bàn, đề ra các giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra, trong đó có phòng chống dịch, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tình hình thực hiện các gói cứu trợ vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử…
Đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch hay không
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.
Thủ tướng cho biết, trong tháng 7, sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đã phát hiện ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương. Ngay sau khi dịch xảy ra, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”.
Thủ tướng nêu rõ, dịch lần 2 phức tạp, chúng ta tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho Đà Nẵng với hàng nghìn cán bộ y tế từ Hà Nội, TPHCM.
Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch. Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ, biểu dương các chiến sĩ áo trắng, nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo.
Bên cạnh đó, với chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7. Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến cũng như làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn (như TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo kết quả về vấn đề nêu trên khi mà lần đầu tiên sau hàng chục năm chúng ta có khối lượng giải ngân vốn đầu tư tăng kỷ lục như thế trong tháng 7 này. Bên cạnh giải ngân đầu tư công, tháng 7 là tháng đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: VGP) |
Làm sao giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới
Với tinh thần thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp này, “chúng ta sẽ phân tích thêm sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. Tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp do COVID-19 gây ra. Kinh tế Mỹ trong quý II đã giảm sâu, đến 33%, EU giảm đến 12,1%. Nói chung, những đối tác chiến lược lớn của chúng ta đều suy giảm rất nghiêm trọng. Cùng với việc đó, các nước đều tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho trường học, cho bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy vậy, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021.
Tạp chí The Economist nhận định Việt Nam là nơi “trú ẩn” ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên, khó khăn còn rất lớn. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thêm các biện pháp như làm sao giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới, không đổ gãy các loại hình doanh nghiệp.
Một tồn tại nữa mà Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm là trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19. “Nếu chúng ta không quan tâm những vấn đề lao động xã hội thì tình hình sẽ phức tạp”.
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, chúng ta không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, Thủ tướng nêu rõ, dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo thêm về những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.
Ngoài ra, có một vấn đề lớn mà xã hội rất quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện có nhiều ý kiến về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thêm với Chính phủ về phương án tổ chức để có một kỳ thi tốt đẹp, an toàn, để người dân yên tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 (Ảnh: VGP) |
CPI tháng 7 tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30 nghìn ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Dù vậy, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (xăng dầu tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; tivi tăng 12,5%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%, phân urê tăng 9%).
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Hoạt động vận tải trong nước sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2020 được đánh giá là vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường.