Nếu năm 2021 là thời điểm bùng nổ của giới start-up “kỳ lân” - những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị thị trường 1 tỷ USD trở lên, thì đến thời điểm hiện tại, làn sóng kỳ lân đã bước vào giai đoạn thoái trào.
Theo dữ liệu từ PitchBook, trên phạm vi toàn cầu, trong nửa đầu năm nay, số lượng start-up kỳ lân mới xuất hiện trung bình hàng tháng đã giảm xuống còn 7,3 công ty, thay vì mức đỉnh 50,5 công ty trong cả năm 2021.
Ông Tim McSweeney, Giám đốc ngân hàng thương mại Restoration Partners chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ đánh giá: “Giờ đây, thứ được săn lùng nhất ở các start-up chính là khả năng sống sót trước biến cố lớn. Trong khi kỳ lân là một linh vật huyền thoại thì gián lại là loài có khả năng sống sót sau cả những vụ nổ hạt nhân”.
Khái niệm khởi nghiệp con gián thực tế đã được đề cập trước đây khá lâu, để nói tới các công ty tăng trưởng theo lối chậm mà chắc, tập trung vào việc sinh lời ngay từ giai đoạn đầu và hạn chế hết mức việc vung tiền chiếm thị phần để giảm thiểu rủi ro. Start-up “gián” hướng tới mô hình kinh doanh bền vững, chứ không như kỳ lân, tăng trưởng thần tốc bằng tiền đầu tư mạo hiểm.
Trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay, nhiều start-up kỳ lân đã bắt đầu bộc lộ điểm yếu trên hành trình phát triển. Kỳ lân WeWork từng được định giá ở mức 40 tỷ USD đang trên bờ vực phá sản, sau khi đại dịch khiến các đối tác từ chối thuê văn phòng và chuyển sang làm việc từ xa, đẩy start-up vào thế khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền. Zume, start-up tại Mỹ với hoạt động sản xuất bánh pizza bằng robot, đang trong quá trình thanh lý dù từng được định giá 2,25 tỷ USD vào năm 2018. Chính vì tính rủi ro trong mô hình tăng trưởng nhờ “đốt tiền”, giới đầu tư chuyển sang tìm kiếm start-up “gián”, để đảm bảo cho nguồn vốn của mình.
McSweeney đánh giá: “Xét về mặt đầu tư thì lối kinh doanh con gián giúp hạn chế tối đa rủi ro ập đến. Các nhà đầu tư bắt đầu muốn kiếm tìm các công ty có thể sống tốt ngay cả trong những thời điểm khó khăn rồi vươn mình trở lại với những sáng kiến mới, hướng đi mới”.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech, cũng là một nhà đầu tư đề cao mô hình khởi nghiệp con gián. Từng theo đuổi mô hình đốt tiền khi khởi nghiệp mảng thương mại điện tử, bản thân ông Bình sau này đã chuyển hướng phát triển một hệ sinh thái gồm nhiều start-up, trong đó đều tập trung vào kinh doanh có lãi chứ không nhằm mục đích tăng trưởng hàng đầu thị trường. Ông cũng thường ưa thích đầu tư vào các start-up con gián, những đơn vị khai thác hiệu quả thị trường ngách và theo ông mô tả là một ngày nào đó sẽ trở thành “con gián to”.
So với mô hình khởi nghiệp kỳ lân, ông Bình cho rằng, start-up con gián giúp nhà sáng lập kiểm soát tài chính tốt hơn, và tinh thần cũng thoải mái hơn. “Nếu một người có mục tiêu rất rõ ràng, tập trung vào tối ưu, kiếm lợi nhuận, không cần "đua top", không cần đứng thứ mấy trên thị trường, nhưng tự chủ được số phận của mình, tinh thần sẽ thanh thản và sung sướng. Về mặt tài chính cá nhân cũng tốt hơn, vì làm việc có lãi rồi, anh em chia nhau lương thưởng, cổ tức...”, nhà đầu tư này cho biết.