Room 35% mới là hợp lý
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 được tổ chức đầu tuần này, nới room lại được Nhóm công tác thị trường vốn tiếp tục đặt ra. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng cổ phần trong nước lên tới 35%, riêng với các ngân hàng TMCP bị mua lại 0 đồng, tỷ lệ này có thể nâng lên 100%.
Đây không phải là lần đầu tiên, kiến nghị này được đưa ra, tuy nhiên, sự kiên trì này cho thấy, thị trường ngân hàng Việt vẫn nằm trong sự thèm khát của các nhà đầu tư ngoại.
. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định: “Vẫn còn nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua cổ phần ngân hàng Việt. Dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng”.
Vài năm gần đây, số nhà đầu tư ngoại rót vốn vào ngân hàng Việt không nhiều. Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có thương vụ IFC rót vốn vào TPBank là thành công. Thương vụ GIC mua cổ phần của Vietcombank vẫn đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư ngoại khác vẫn đang “nhòm ngó” các ngân hàng trong nước, trong đó có cả ngân hàng 0 đồng như OceanBank.
Dù NHNN vẫn luôn khẳng định chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng trong nước, song số thương vụ thành công chưa nhiều, theo các nhà đầu tư ngoại là: giá quá cao và chỉ được mua cổ phần hạn chế.
Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc, NHNN nên mở thêm room vốn ngoại để kêu gọi các nguồn lực tham gia tái cơ cấu hệ thống.
“Nên cho phép các ngân hàng lớn niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế (Hồng Kông, Singapore…) và mạnh dạn mở room đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bởi nguồn lực trong nước hiện rất hạn chế”, TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý.
Bớt thủ tục, cởi trói cho các sản phẩm phái sinh
Bên cạnh việc nới room, một vấn đề nữa được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đề nghị NHNN là giảm thiểu các thủ tục hành chính và cởi trói hơn nữa đối với các sản phẩm phái sinh.
Ông Phạm Hồng Hải, Trưởng nhóm công tác ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC kiến nghị 3 nội dung.
Thứ nhất, NHNN tiếp tục phát triển khung khổ pháp lý và các công cụ phòng ngừa rủi ro.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ trong các giao dịch ngoại hối vì các ngân hàng phải lưu “cả thùng” chứng từ liên quan đến các giao dịch ngoại hối để chứng minh các giao dịch này là hợp pháp.
Thứ ba, phải có quy định về kết chuyển, cân bằng tiền mặt và cho vay giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Việc thiếu quy định về các sản phẩm nêu trên khiến các ngân hàng không có đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền cho khách hàng và làm các khách hàng, nhất là các công ty đa quốc gia có nhiều công ty con và chi nhánh, không được tiếp cận với các công cụ quản lý thanh khoản hiệu quả.
Liên quan tới kiến nghị của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các văn bản pháp lý của NHNN đã có quy định về các sản phẩm phái sinh, về lãi suất và đang trong giai đoạn cuối để hoàn thiện thông tư hướng dẫn về phái sinh giá cả hàng hóa và tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm để phòng ngừa rủi ro trên thị trường.
Riêng về việc lưu giữ giấy tờ liên quan đến thực hiện giao dịch ngoại hối, theo bà Hồng, quy định hiện nay khá chặt chẽ nhằm đảm bảo các giao dịch này là hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và hải quan để kết nối, giảm thủ tục cho các ngân hàng, đồng thời đạt mục quản lý được dòng tiền vào - ra.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, NHNN sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư để chỉnh sửa các quy định liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.