Chiến lược tái cơ cấu chuỗi đã có từ nhiều năm
Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial vừa tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) không thích dùng cụm từ “chuyển dịch” vốn đầu tư cũng không muốn gắn với Trung Quốc khi nhắc đến chủ đề này.
Bởi, vị này cho rằng, nhà đầu tư các nước đã tính đến chiến lược tái cơ cấu từ hơn 6 năm qua.
Thêm vào đó, tác động kép từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại dịch Covid-19 cùng càng thúc đẩy các quyết định tái cơ cấu chuỗi sản xuất “ngay và luôn”.
Trong biểu đồ 32 năm vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (từ năm 1988 đến nay) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có 3 đỉnh “sóng” đáng chú ý theo chu kỳ cách nhau 10 năm, với đỉnh đầu từ năm 1995.
“Bây giờ đang có sóng mới, dù đại dịch Covid-19 xảy ra đã kéo giảm phần nào, nhưng nhìn chung, đồ thị đang đi lên”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói và cho biết, có 23,5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay (bằng 81,5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Riêng vốn đăng ký tăng thêm là 5,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ. So với mặt bằng chung về vốn đầu tư trên thế giới giảm 40%, nhiều quốc gia ghi nhận mức âm thì tỷ lệ giảm của Việt Nam vẫn đang kiểm soát được.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp do Báo Đầu tư cùng BW Industrial tổ chức (Ảnh: Lê Toàn). |
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng thông tin, ngày 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một phái đoàn Hoa Kỳ gồm ông Adam Boehler, Tổng giám đốc Cơ quan Tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Tham dự cùng buổi tiếp, phía Việt Nam còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công thương và Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Hoàng cho biết, phái đoàn phía Hoa Kỳ đã di chuyển bằng chuyên cơ trong 20 tiếng để đến Việt Nam và chỉ có 16 tiếng trao đổi, làm việc trước khi trở lại xứ cờ hoa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái khẳng định quan điểm, Việt Nam luôn xem Hoa Kỳ là một trong những đối tác hàng đầu, thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư.
Một dự án nổi bật được nhắc đến trong cuộc gặp quan trọng này liên quan đến Dự án Nhà máy điện khí hoá lỏng tại Bạc Liêu với quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập).
3 tập đoàn của Hoa Kỳ gồm Bechtel, General Electric, McDermott đã ký thỏa thuận cùng triển khai thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án có tổng công suất 3.200 MW này.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư "an cư" mới lạc nghiệp
Tuy nhiên, có những nút thắt nào cần tháo gỡ để Việt Nam có thể đón sóng đầu tư khi cơ hội đến không tự nhiên mà đến nên càng đòi hỏi nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Hoàng, khi nhà đầu tư đến, họ cũng cần “an cư mới lạc nghiệp”, trong trường hợp này là tìm kiếm được nhà xưởng, nơi đặt nhà máy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, giá chào thuê đất và nhà kho trong thời gian qua tăng mạnh (giá chào thuê đất đều tăng 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo CBRE Việt Nam, một số khu công nghiệp ở TP.HCM có mức giá chào thuê đất từ 150 USD/m2 thì nay đã tăng lên 300 USD/m2 đối với kỳ hạn thuê còn lại.
Tại Đồng Nai, mức giá chào thuê từ 100 USD/m2 lên đến khoảng 155 USD/m2; Long An ghi nhận mức tăng từ 110 USD/m2 lên đến khoảng 200 USD/m2.
“Chúng tôi có đề xuất với doanh nghiệp, đừng vì dòng đầu tư đang đến mà nâng giá. Dù họ có cho rằng Việt Nam hấp dẫn nhưng sẽ không bao giờ quay trở lại”, ông Hoàng chia sẻ.
Ảnh minh hoạ: Công nhân làm việc tại nhà máy AA. |
Điểm nghẽn thứ hai được nhắc đến là ngành công nghiệp hỗ trợ tại nội địa còn thấp.
Trong khi tỷ lệ này tại các đối thủ hút vốn đầu tư như Trung Quốc trên 60%, Thái Lan từ 47-50%, Ấn Độ trên 50% thì Việt Nam chỉ trên 25% nhưng dưới 30%.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, có 3 cách phát triển công nghiệp phụ trợ gồm doanh nghiệp lớn lên bằng nỗ lực tự thân, hỗ trợ từ đối tác, trợ lực từ chính sách của Nhà nước; mua các công ty FDI có lợi thế công nghiệp hỗ trợ trong ngành từ 5-10% rồi nâng dần tỷ lệ sở hữu và đầu tư ra nước ngoài, cũng nhằm mua các công ty công nghiệp phụ trợ đã tham gia vào chuỗi như cách Vingroup đã làm, nhằm phát triển công nghiệp ô tô.
Và một điểm nghẽn đặc biệt cần tiếp tục giải quyết khi đã trở thành chủ đề được bàn luận trong nhiều năm qua, liên quan đến chất và lượng nguồn nhân lực bao gồm nhóm kỹ sư/cán bộ quản lý cấp cao và lao động có tay nghề- yếu tố phải cải thiện nhiều hơn nữa.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng vừa có cuộc họp với Tổng cục Dạy nghề về phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, cả nước hiện có 1.900 trường dạy nghề, mỗi năm đào tạo 2,2 triệu sinh viên. Trong đó, có 45 trường đào tạo tay nghề cao, 150 ngành trọng điểm trong tổng số 800 ngành.
“Sau buổi họp, cả hai bên đều không biết nhu cầu của thị trường lao động như thế nào để mà đào tạo. Tôi sẽ có trách nhiệm cùng các nhà đầu tư, phối hợp với các địa phương để đào tạo đúng lĩnh vực, đúng địa bàn doanh nghiệp cần. Lao động Việt Nam nếu được đào tạo bài bản thì tay nghề không hề thua kém nước ngoài”, ông Hoàng nói.
Đồng tình quan điểm về đào tạo lực lượng nhân sự, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch TBS Group và ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược Tổ hợp Samsung Việt Nam đều đánh giá, nếu lao động Việt Nam được đào tạo và đặt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì chất lượng sẽ không thua kém các quốc gia khác.
“Các nhân viên sản xuất tại Samsung chủ yếu là lao động Việt Nam. Nhưng khi được đào tạo thì vẫn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh công nghiệp hóa hiện nay, có nhiều công đoạn được thay thấy bằng máy móc. Với những công đoạn đòi hỏi sự phức tạp thì vẫn cần đến bàn tay con người”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.