Lần đầu tiên, trong nhiều năm trở lại đây, bội chi ngân sách đã vượt quá trần giới hạn cho phép (4,8% GDP). Ông bình luận thế nào về vấn đề này?
Thu cân đối ngân sách năm nay, theo dự kiến chỉ đạt 756.570 tỷ đồng, giảm 59.430 tỷ đồng so với dự toán. Trong khi đó, dù đã co kéo hết sức, tiết kiệm tối đa, nhưng tổng chi vẫn lên đến 990.500 tỷ đồng, tăng 1,3% so với dự toán.
Vì thế, tính toán đơn thuần về mặt số học, thì bội chi vẫn cao hơn mức trần cho phép.
| ||
TS. Bùi Đình Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Nếu Quốc hội chấp thuận với đề xuất nâng mức bội chi năm nay lên 5,3% GDP, Chính phủ cũng chỉ có thêm 33.500 tỷ đồng để trả các khoản mà ngân sách đang còn nợ, như tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, hoàn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã ứng trước, tiền chênh lệch lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, tiền nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Với tư cách là thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra tài chính và ngân sách của Quốc hội), ông cũng đồng tình với đề nghị của Chính phủ?
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 775.700 tỷ đồng, tăng 2,5% so với ước thực hiện năm 2013.
Tuy nhiên, khi làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng dự toán ngân sách năm 2014, tôi cho rằng, thu ngân sách năm 2014 thậm chí còn không bằng số thu ước thực hiện của năm nay.
Giả sử số thu ngân sách năm 2014 có đạt mức tính toán của Bộ Tài chính, thì cũng không có nguồn để trả các khoản nêu trên, trong đó có những khoản đã lưu cữu từ lâu và không thể không trả, đặc biệt là tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu chậm trả, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tác động ngay đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8%.
Chính vì vậy, đa số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong đó có tôi, đều đồng tình với đề nghị nâng bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP.
Nếu Quốc hội chấp thuận mức bội chi 5,3% GDP, thì năm tới, Chính phủ cũng chỉ có thêm 224.000 tỷ đồng để chi cho các nhiệm vụ thiết yếu, như đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ…
Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đã chiếm 15,6% tổng chi ngân sách nhà nước với số tiền lên đến 156.000 tỷ đồng. Số tiền bội chi 224.000 tỷ đồng phải hết sức căn cơ mới đủ, nếu không, thì bội chi còn phải cao hơn nữa.
Hy vọng, các đại biểu Quốc hội chấp thuận mức bội chi năm 2014 là 5,3% GDP, tạo điều kiện cho Chính phủ có nguồn để chi tiêu các nhiệm vụ thiết yếu, cấp bách.
Toàn bộ tiền bội chi đều phải đi vay và sẽ tác động ngay đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là nợ công, thưa ông?
Khi đưa ra mức bội chi là bao nhiêu phải tính toán, cân nhắc đến nhiều yếu tố khác, như dự toán thu ngân sách trong trung hạn, khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi vay trong và ngoài nước, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu, nợ công tăng lên bao nhiêu, có mất an toàn tài chính hay không…
Dựa vào tất cả những yếu tố kể trên, tôi cho rằng, mức bội chi 5,3% GDP vào năm tới là hợp lý, vì vẫn bảo đảm an toàn tài chính, nghĩa vụ trả nợ không ảnh hưởng đến tổng chi ngân sách trong tương lai, đặc biệt là vẫn bảo đảm tỷ lệ nợ công.
Theo tính toán, với mức bội chi 5,3% GDP, tổng dư nợ công vào năm tới ước vào khoảng 56% GDP - thấp hơn mức trần nợ công tối đa được Quốc hội cho phép (65% GDP).
Nếu việc vay nợ để bù đắp bội chi đáp ứng tất cả các yếu tố như ông vừa đề cập, vấn đề đặt ra là gánh nặng nợ sẽ ngày càng chồng chất trong trường hợp sử dụng tiền bội chi không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp?
Chính vì thế, khi thảo luận về cân đối ngân sách năm 2014, một mặt, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận mức bội chi năm tới bao nhiêu là hợp lý; mặt khác, yêu cầu Chính phủ công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chi tiêu; chỉ được sử dụng tiền vay nợ hoặc tiền từ ngân sách đầu tư vào các công trình, dự án thiết yếu, cấp bách, bức xúc.
Hy vọng, các đại biểu Quốc hội chấp thuận mức bội chi năm tới là 5,3% GDP, tạo điều kiện cho Chính phủ có nguồn để đầu tư cho các công trình, dự án, nhằm tháo gỡ những nút thắt trong nền kinh tế.
Mạnh Bôn