Thời sự
Không cần tiền, có thể giải quyết ngay điểm nghẽn du lịch
Anh Trung - 03/07/2015 14:18
Chính phủ đã có những phản ứng tích cực trước sự “cầu cứu” của ngành du lịch, với việc miễn visa cho công dân 5 nước châu Âu, tuy nhiên, để giải được bài toán tăng trưởng du lịch, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội.

Chính phủ đã có động thái tích cực

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP, cho phép công dân 5 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam. Trước đó, công dân Belarus cũng đã được miễn thị thực khi nhập cảnh. Các chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 và có thời hạn trong vòng 1 năm, riêng Belarus là 5 năm và sẽ được xem xét, gia hạn theo pháp luật Việt Nam.

Đây có thể coi là động thái tích cực của Chính phủ, nhằm tháo gỡ cho sự tuột dốc không phanh của ngành du lịch. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hay các cuộc hội thảo du lịch, vấn đề miễn visa luôn được đề cập. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, visa là yếu tố tác động đầu tiên đến du khách khi chọn lựa điểm đến du lịch, chính sách visa càng thông thoáng, đơn giản, thậm chí là miễn visa, thì càng thu hút đông đảo khách quốc tế.

Để du khách quay lại Việt Nam, mỗi người cần tích cực tạo sự thân thiện

 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều luồng ý kiến trước việc miễn visa đơn phương. Một số phản hồi cho rằng, việc miễn visa chỉ có thời hạn trong 15 ngày là hơi ít. Đại diện một hãng lữ hành quốc tế chia sẻ: “Một chuyến du lịch với giá vé máy bay rất cao, khoảng 900 - 1.000 USD, mất nhiều thời gian đi lại, nên nhiều người muốn tận dụng nghỉ 3 - 4 tuần. Đặc biệt, với một quốc gia có nhiều điểm tham quan như Việt Nam, miễn 15 ngày thì chỉ tham quan được 5 - 6 danh lam thắng cảnh. Hay như Việt kiều tranh thủ về thăm quê hương thì 15 ngày là quá ngắn”.

Bên cạnh đó, việc miễn visa chỉ có thời hạn trong vòng 1 năm là tương đối ngắn. Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội, tính chất của việc quảng bá, xúc tiến thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, khác hẳn với Việt Nam. Các công ty lữ hành cần có thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để triển khai công tác quảng bá, cũng như để cho du khách làm quen với chính sách mới

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Cánh cửa đã được mở, nhưng để ngành du lịch có thể phát triển một cách bền vững, để khách du lịch biết đến và bị níu chân bởi đất nước và con người Việt Nam thì ngành du lịch vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Sau visa, xúc tiến du lịch cũng là vấn đề đang gặp nhiều vướng mắc, kể cả về vốn và cách làm. Đây là mảng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi cả nước chỉ dành khoảng 3 triệu USD/năm cho việc xúc tiến du lịch, mà chủ yếu là từ ngân sách, thì khoản kinh phí này ở các nước du lịch phát triển lân cận như Thái Lan, Malaysia là hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Nguồn tiền này cũng không được sử dụng tập trung để hình thành các chương trình xúc tiến “ra tấm ra món”, mà bị chia nhỏ, rải đều. Kinh phí hạn hẹp, lại không được sử dụng hợp lý, nên quảng bá du lịch của Việt Nam ngày càng lạc hậu và lép vế hơn so với các nước trong khu vực.

Trong khi các nước bạn thường xuyên tham gia hội chợ, hội thảo du lịch quốc tế, sử dụng nhiều kênh truyền thông quốc tế để giới thiệu hình ảnh đẹp về đất nước, con người, văn hóa của họ với tần suất lớn, thì chúng ta vẫn không biết làm mới cách quảng bá. Quanh quẩn vẫn những hình ảnh cũ như áo dài, múa quạt, đàn bầu, cảnh Vịnh Hạ Long… Thậm chí, kênh hình ảnh du lịch Việt Nam trên Youtube mở ra gần 5 tháng cũng chỉ có 3.000 lượt view, con số quá khiêm tốn với một kênh du lịch của quốc gia.

Rõ ràng, xúc tiến du lịch là mảng cần được quan tâm ngay sau khi cánh cửa visa đã mở. Đòi hỏi cấp thiết lúc này phải có sự đổi mới về cách nghĩ, cách làm của các cơ quản quản lý và phải có sự chung tay của các nguồn lực xã hội. Có như vậy, hình ảnh về Việt Nam tươi đẹp mới có thể được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, phải tích cực tạo dựng văn hoá du lịch, tạo sự thân thiện để khách còn quay lại. Bên hành lang Quốc hội mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra những “nỗi sợ” mà khách du lịch quốc tế gặp phải khi đến Việt Nam như làm giá, chặt chém, mất an toàn giao thông, ăn xin, ăn cắp vặt, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và thái độ thiếu tôn trọng của người dân với khách du lịch.

Theo Phó thủ tướng, để chấm dứt những vấn nạn này  không phải đầu tư nhiều tiền và có thể giải quyết ngay, chỉ cần mỗi người dân nâng cao ý thức của mình.

Tin liên quan
Tin khác