Thời sự
Không có đặc thù ngành trong đấu thầu
Huy Cường - 19/06/2013 15:21
Đó là khẳng định của ĐBQH, doanh nhân Phan Văn Quý liên quan đến Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây cũng là một trong những Dự thảo Luật được đông đảo cử tri, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
TIN LIÊN QUAN

Là ĐBQH, đồng thời là doanh nhân, ông nhận định thế nào về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chuẩn bị được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội trường trong kỳ họp này?

Ông Phan Văn Quý

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nêu: Sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập như: Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện hành chưa bao quát hết các hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước; quy định về đấu thầu có trong nhiều luật, gây khó khăn cho việc áp dụng, tra cứu.

Do vậy, việc sửa đổiLuật Đấu thầulần này có ý nghĩa quan trọngđể Luật này giữ đúng vai trò là luật chung,thống nhất quy định về đấu thầu. Dự thảo Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị chu đáo, công phu, đã bao quát và phản ánh được đầy đủ nội dung liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều nội dung, hướng tới giải quyết được nhiều bất cập trong hoạt động đấu thầu hiện nay, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với các quy định về ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước, theo ông việc ưu đãi này liệu có ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu không?

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có quy định rất rõ ràng về việc ưu tiên, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hàng hóa trong nước. Việc ưu đãi ở đây không phải là bớt đi các tiêu chí, làm giảm cạnh tranh trong đấu thầu, mà nhằm gắn việc giải quyết các vấn đề kinh tế với xã hội, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước.

Đây cũng là thể hiện chủ trương đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã vào WTO nên mọi việc cũng phải phù hợp với luật pháp Quốc tế.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi), hiện nay đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý là cần thiết phải có quy định ngoại lệ áp dụng đối với những dự án mặc dù không đáp ứng tiêu chí 30% vốn Nhà nước nhưng phần vốn của Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án lớn. Tuy nhiên, phần vốn của Nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án lớn là 500 tỷ đồng hay là bao nhiêu thì nên cân nhắc cho phù hợp.

Đồng thời, để đảm bảo được tính ổn định lâu dài của Luật, theo tôi không nên tuyệt đối hóa giá trị trong Luật mà Luật chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn giao cho Chính phủ quy định về mức giá trị này theo từng thời kỳ cho phù hợp.

Để tiết kiệm thời gian và chi phí trong lựa chọn nhà thầu, theo ông nên như thế nào?

Tại Điều 17 của Dự thảo Luật quy định về chỉ định thầu trong lựa chọn nhà thầu, hình thức này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong đấu thầu.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1195/QĐ-TTg, trong đó có quy định về cơ chế nhân đôi trong lựa chọn nhà thầu để đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách. Cơ chế này được áp dụng đã thể hiện rõ tính phù hợp và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả chủ đầu tư và nhà thầu.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nhân rộng cơ chế này, trong đó cần chú ý tới yếu tố địa lý của các công trình nhằm chi tiêu một cách hợp lý, có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh Luật Đấu thầu, cần có quy định riêng về đấu thầu cho một số ngành hoặc lĩnh vực đặc thù như đấu thầu thuốc, khoáng sản... Theo ông, điều này có cần thiết không?

Tôi cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu cho bất kỳ gói thầu nào thuộc bất kỳ ngành hay lĩnh vực nào đều phải được thống nhất thực hiện theo quy định và quy trình chung.

Trong đấu thầu, không có đặc thù giữa các ngành. Quy trình, thủ tục đấu thầu từ khâu phê duyệt hồ sơ mời thầu, đăng báo, bán hồ sơ mời thầu, đóng thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu…đều như nhau. Điểm khác biệt chỉ thể hiện ở tính chất kỹ thuật của từng gói thầu, mà tính chất kỹ thuật của gói thầu được phản ánh cụ thể trong hồ sơ mời thầu, không ảnh hưởng đến quy trình, thủ tục đấu thầu chung.

Do vậy, sự khác nhau về kỹ thuật chuyên ngành không gây ra quy trình, thủ tục khác nhau khi lựa chọn nhà thầu. Vì thế, việc lựa chọn nhà thầu không cần phải có luật điều chỉnh riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực mà chỉ cần thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu là đủ.

Tin liên quan
Tin khác