Ngân hàng - Bảo hiểm
Không còn “cửa” cho nhà đầu tư mở sàn vàng
Trần Mạnh - 06/12/2017 08:01
Theo dự thảo quy định mới, ngoài Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mọi cá nhân, doanh nghiệp không được lập tài khoản kinh doanh vàng. Tuy nhiên, NHNN cũng hé lộ “cửa” để huy động vàng trong dân.
TIN LIÊN QUAN

Chỉ nên độc quyền 5 năm

NHNN vừa đưa ra Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điểm mới nhất của Dự thảo là ngoài việc đơn giản hóa thủ tục hành chính với hoạt động kinh doanh vàng, còn có quy định rằng, Nhà nước độc quyền huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và độc quyền kinh doanh vàng trên tài khoản.

.

Bình luận về dự thảo trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá khứ, sàn vàng đã gây ra rất nhiều hệ lụy do hoạt động đầu cơ tăng mạnh. Chính vì vậy, việc NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản trong giai đoạn này là hợp lý. “Tôi ủng hộ NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản trong giai đoạn trước mắt, vì thị trường vàng đang có sự ổn định. Việc độc quyền sẽ giúp NHNN tiếp tục ổn định thị trường, khống chế đầu cơ”.

TS. Hiếu cho rằng, NHNN chỉ nên độc quyền trong vòng 5 năm, sau đó, nếu kiểm soát được vấn nạn đầu cơ, thì dần xem xét mở rộng cho phép các cá nhân, tổ chức được kinh doanh vàng tài khoản, đưa thị trường vàng Việt Nam “hòa nhập” với thị trường vàng thế giới. 

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, rất ít cơ hội cho nhà đầu tư có thể kinh doanh vàng tài khoản ở Việt Nam.

Theo NHNN, giai đoạn 2007-2009, một số sàn vàng xuất hiện tự phát, giao dịch quy mô lớn làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo...

Chưa nói đến việc NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản có hợp lý hay không, thì ít nhất, quy định trên cũng giúp cụ thể hóa việc kinh doanh vàng tài khoản.

Theo đánh giá của NHNN, sau 5 năm triển khai Nghị định 24, sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm hẳn, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được đẩy lùi. Doanh số mua bán vàng miếng trong hệ thống đã giảm hơn 50%. Số cơ sở kinh doanh vàng miếng giảm từ 12.000 điểm còn 2.242 điểm.
Sóng vàng không còn, nên hoạt động đầu cơ, lướt sóng chìm hẳn, các cơn sốt không còn diễn ra. Đáng mừng nhất là tín dụng vàng - mối nguy thanh khoản treo lơ lửng trên đầu nhiều ngân hàng cách đây 5 năm- đã được gỡ bỏ. Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vàng đã chuyển sang quan hệ mua - bán…

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, quy định về kinh doanh vàng tài khoản hiện nay cũng không rõ ràng. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 24, kinh doanh vàng tài khoản không bị cấm, mà chỉ bị hạn chế kinh doanh, chỉ được thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, vẫn không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép do các điều kiện cấp phép chưa được ban hành.

Vẫn có thể huy động vàng trong dân qua sàn giao dịch

Nếu dự thảo quy định trên có hiệu lực, khả năng mở sàn vàng ở Việt Nam sẽ không còn (vì cá nhân, doanh nghiệp không được kinh doanh vàng tài khoản). Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, vẫn có khả năng NHNN thành lập sàn giao dịch vàng nội bộ trong nước để huy động vàng trong dân. Tham gia các sàn giao dịch này, người dân chỉ được gửi và rút vàng qua các chứng chỉ vàng và NHNN là đơn vị độc quyền huy động vàng.

“Với việc độc quyền kinh doanh vàng tài khoản, NHNN có thể lập ngay sàn giao dịch vàng trong nước, phát hành chứng chỉ vàng có trả lãi để huy động vàng trong dân. NHNN có đủ uy tín để làm được điều này và có thể điều hòa rủi ro biến động giá vàng bằng cách sử dụng các nghiệp vụ giao dịch trên sàn vàng quốc tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Nhận định của TS. Hiếu là có cơ sở, bởi theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 24, việc ngân hàng thương mại huy động vàng bị cấm tuyệt đối do tình trạng huy động và cho vay vàng đã từng khiến thanh khoản cả hệ thống ngân hàng chao đảo.

Ủng hộ phương án phát hành chứng chỉ vàng để huy động vốn vàng nhàn rỗi trong dân, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên trả lãi, mà chỉ nên cho phép người dân sử dụng chứng chỉ này để cầm cố, thế chấp. Với phương án này, nguồn vốn vàng sẽ được sử dụng linh hoạt, thay vì “chết” trong dân, đồng thời người dân vẫn đảm bảo được quyền tích trữ tài sản của mình.  Tuy vậy, TS. Lực cũng cho rằng, giải pháp này cần được nghiên cứu kỹ và chọn thời điểm thuận lợi để thực hiện.

Cho đến nay, huy động vàng trong dân vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ngoài chức năng tiền tệ, vàng còn chức năng hầm trú ẩn, bảo toàn tài sản. Huy động vàng trong dân vào sản xuất là không nên và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin liên quan
Tin khác