Đầu tư và cuộc sống
Không để công nghiệp văn hóa bị lãng quên
Phương Linh - 12/09/2023 11:58
Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành phố Hà Nội đặc biệt đề xuất các cơ chế chính sách để tạo hệ sinh thái cho phát triển công nghiệp văn hóa, thực hiện mục tiêu đưa văn hóa thành nguồn lực phát triển.

Bổ sung nhiều quy định, chính sách mới

Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội.

Cụ thể, dự thảo đưa ra khái niệm về "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa", đây là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. 

Ngoài ra, cũng có quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi. Theo đó, cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô.

Theo các chuyên gia, Hà Nội nên tập trung nguồn lực đầu tư các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), bên cạnh các tiến bộ đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang có sự phân biệt trong ưu đãi đối với các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau. Trong đó thuật ngữ “Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa” đang cho thấy sự thiên lệch về hoạt động thương mại, dịch vụ dù quy định về tiêu chí, điều kiện và quy chế hoạt động chung của các Khu thúc đẩy thương mại và dịch vụ lại nằm trong Điều 23 - Bảo vệ và phát triển văn hóa.

Xét về mối quan hệ qua lại trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung cũng như bài học kinh nghiệm từ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực, Thạc sĩ Trần Dũng Hải kiến nghị có thể sửa thuật ngữ "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" thành "Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại", lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung. 

Sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, cần nghiên cứu bổ sung các ngành công nghiệp văn hóa khác vào dự thảo như dự án đầu tư mới vào phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công, mỹ nghệ… nhằm tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Tại Điều 23 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điểm mới cụ thể hóa ưu đãi bằng biện pháp kinh tế, khi áp dụng thuế suất 5% đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một trong những quy định hợp lý để kích thích các hoạt động đầu tư và nguồn vốn đầu tư vào văn hóa do mức thuế thu nhập doanh nghiệp càng thấp thì lợi nhuận của nhà đầu tư thu về càng nhiều, làm tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư so với các lĩnh vực khác.

Theo các chuyên gia, việc quy định về đối tượng được hưởng thuế là các ngành công nghiệp văn hóa là một quan điểm tương đối tiến bộ, hướng tới khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp theo hướng công nghiệp văn hóa thay cho tư duy đầu tư, kinh doanh mang tính manh mún, thiếu đồng bộ như trước.

Huy động nguồn đầu tư phát triển

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “Nếu xác định di sản văn hóa đều là đối tượng để tập trung nguồn lực đầu tư như dự thảo Luật hiện nay thì chỉ với 5922 di tích, 1793 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê, sẽ là một con số khổng lồ (cả về nhân lực và tài chính)”.

Theo bà Hương, việc tập trung nguồn lực đầu tư các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bởi nếu tập trung đầu tư cho những di sản có tiềm năng, đối tượng được đầu tư sẽ thu hẹp về số lượng, điều đó giúp Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực sự có thể tập trung nguồn lực như dự thảo Luật đề ra. 

Do đó, các giá trị tiêu biểu của những di sản này sẽ là điều kiện, là “mỏ vàng” để phát huy tiềm năng, hiệu quả, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa.

Đối với ngành công nghiệp văn hoá, nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, còn vấn đề nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa hiện chưa được đề cập cụ thể.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên vô cùng quan trọng. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, cần bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục, hướng nghiệp, kết nối với xã hội để sẵn sàng cho tương lai.

Với những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù về văn hóa đang được xây dựng, mục tiêu kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực để phát triển Thủ đô sẽ trở thành hiện thực trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác