Đây là tình trạng không ít khách hàng Việt Nam gặp phải khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
Lấy ví dụ, một đơn hàng mũ trẻ em mua từ người bán hàng Trung Quốc, giá vận chuyển về tới tay khách tại Hà Nội là 15.000 đồng. Cũng một đơn hàng tương tự, nếu mua từ TP.HCM thì người mua phải trả khoản phí lên tới gần 30.000 đồng.
Đơn hàng mua từ Trung Quốc có mức phí vận chuyển 15.000 đồng so với mức 28.800 đồng mua từ một nhà bán hàng ở TP.HCM. |
Tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG), nhiều chuyên gia đã có những lý giải liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Ratraco, người từng có kinh nghiệm hơn 10 năm trong mảng logistics của thương mại điện tử cho biết, có 2 lý do khiến phí vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rẻ hơn, và có thể đi kèm với thời gian vận chuyện ngắn hơn.
Thứ nhất, tổ chức hoạt động cung ứng logistics của thị trường Trung Quốc rất khác Việt Nam.
Trong quá trình cung cấp dịch vụ với đối tác nước ngoài, ông Hùng gặp một số trường hợp thực tế là hàng hóa vật lý đã được tập kết tại các kho rất gần biên giới Việt Nam, tuy nhiên đơn vị xử lý dữ liệu hàng hóa lại nằm ở Thâm Quyến, Singapre hay thậm chí một số địa điểm khác. Với quá trình thương mại điện từ toàn cầu, hoạt động lên đơn, chốt đơn hay website của người bán có thể đặt tại bất cứ đâu, trong khi hàng hóa có thể đã được tập kết tại khu vực ngay gần biên giới Việt Nam, cách Việt Nam chỉ 40-50 km.
Thứ hai, ông Hùng lý giải chi phí logistics thương mại điện tử ở Việt Nam còn cao là do tính tập trung và sản lượng của thị trường vẫn thấp. Vì các nhà bán hàng Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các nhà bán hàng Trung Quốc; cơ hội để doanh nghiệp giao hàng chặng cuối có thể tối ưu sản lượng vào một phương thực vận chuyển, giúp đáp ứng nhanh hơn đi kèm chi phí rẻ hơn trên mỗi đơn hàng, sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với thị trường thương mại điện tử tập trung như Trung Quốc.
Tạo đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG). |
Ông Hùng nói thêm rằng tại Trung Quốc, có các trung tâm chia chọn để xử lý lượng đơn hàng lên tới 10.000, 20.000 đơn mỗi giờ. Thị trường Việt Nam cũng đã có một vài trung tâm xử lý được 12.000 đơn/giờ, nhưng ít có nhà bán hàng nào đạt được quy mô lớn như vậy. Thường mức sản lượng này chỉ tập trung vào giai đoạn các sàn thương mại điện tử triển khai chiến dịch giảm giá.
Bổ sung thêm ý kiến của đại diện Ratraco, ông Robin Hou, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Đông cho biết thời kỳ ngành logistics mới phát triển, chi phí vận chuyển của Trung Quốc cũng rất cao. Giai đoạn sau này, khi thương mại điện tử bùng nổ, các doanh nghiệp logistics mở ra nhiều hơn và cạnh tranh lẫn nhau, chi phí vận chuyển giảm xuống, người tiêu dùng là người hưởng lợi cuối cùng.
Ông Robin Hou đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong thương mại điện tử, và sẽ sớm phát triển các mảng logistics tương ứng. Khi ấy giá thành vận chuyển giảm xuống, người bán hàng và chủ hàng sẽ cùng được hưởng lợi.
Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD.
Trong bối cảnh ngành logistics toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, triển lãm kỳ vọng mang đến cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng giao lưu, hợp tác và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.