Sau khi giảm và tăng thấp từ tháng 3 đến tháng 6, CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,4%, là mức thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng cùng kỳ 9 năm trước đó. Song kể từ tháng 7, CPI có xu hướng tăng nhanh và biểu hiện rõ nhất vào tháng 8 khi chỉ số này đứng ở mức 0,83% so với tháng trước.
| ||
Kể từ tháng 7, CPI có xu hướng tăng nhanh và biểu hiện rõ nhất vào tháng 8 khi chỉ số này đứng ở mức 0,83% so với tháng trước |
Điểm đáng chú ý là xu hướng này không chủ yếu và trực tiếp đến từ mất cân đối kinh tế trên thị trường, từ các yếu tố kinh tế, mà đến chủ yếu và trực tiếp từ các yếu tố phi kinh tế, phi thị trường - tức là các quyết định có tính chất hành chính. Cụ thể:
Quyết định điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 1/2013 đã làm giá của nhóm này tăng 9,5% so với tháng 12/2012 và tăng tới 78,8% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI chung tháng 1/2013 tăng 1,25%, cao hơn so cùng kỳ năm trước và tháng 12 năm 2011.
Tới tháng 4/2013, giá dịch vụ y tế ở một số địa phương được điều chỉnh đã làm giá nhóm này tăng 4,51%. Giá xăng dầu tăng lần thứ nhất trong cùng thời điểm trên đã khiến giá nhóm giao thông tăng 1,2%.
Quyết định tăng giá xăng dầu 2 lần diễn ra trong tháng 6 và tháng 7, cùng quyết định tăng giá điện, giá dịch vụ y tế tại Hà Nội kéo theo hệ lụy là CPI tháng 8 của Hà Nội tăng 3,16% so với tháng 7/2013 và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng đã làm giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8 cao hơn so với CPI chung. Đó là chưa kể giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã “vượt trước, đón đầu” quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/8.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện lộ trình giá thị trường là cần thiết và đúng hướng, nhưng để hạn chế các tác động không mong muốn, các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng độc quyền phải minh bạch giá hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm cùng các bộ, ngành, giữa trung ương, địa phương cần phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hơn nữa phải cẩn trọng về liều lượng về thời điểm điều chỉnh. Nếu không cẩn trọng khi điều chỉnh thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có một số hệ lụy sau:
Một là, các động thái trên sẽ tác động trực tiếp, làm tăng giá các hàng hóa, dịch vụ này, đồng thời gián tiếp làm tăng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ khác.
Hai là, các động thái trên cộng hưởng với yếu tố tâm lý, cộng hưởng với tình trạng “té nước theo giá, theo lương” lặp lại sẽ làm cho CPI cả năm tăng cao so với năm trước và tăng cao vào đầu năm sau.
Ba là, lạm phát tăng do các động thái trên sẽ khiến tổng cầu, vốn đã yếu lại càng yếu hơn.
Tổng cầu yếu là một trong những yếu tố làm tăng tồn kho trong bối cảnh lạm phát có thể tăng lên, nhưng kinh tế lại trì trệ, thậm chí còn suy giảm tốc độ tăng trưởng. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến các nỗ lực khác nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn như đã đề ra. Thậm chí, sẽ khó đạt mục tiêu “kép” (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn) của năm 2013 theo nghị quyết của Quốc hội.
Các động thái trên không những tác động đến việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn trong năm, mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu cơ bản dài hạn bởi năm 2013 là năm cả nước vừa phải thực hiện lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đây là những mục tiêu cơ bản, nhưng vài năm trở lại đây, do phải áp dụng nhiều giải pháp tính thế ngắn hạn để ưu tiên kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm tăng trưởng, nên việc triển khai còn chậm, kết quả thực hiện chưa được bao nhiêu.
Năm 2013 chỉ còn lại một phần ba chặng đường. Tuy ngắn chỉ bằng nửa thời gian từ đầu năm đến nay, nhưng theo thông lệ, cả lạm phát, lẫn tăng trưởng đều có những chuyển động lớn trong quãng thời gian còn lại của năm. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta cần kiên định, nhất quán trong kiềm chế lạm phát và phải có thêm xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh Nhung