Giá xăng RON95 hiện đã vượt 31.500 đồng/lít |
Nguồn cung được đảm bảo
Bộ Công thương vừa có báo cáo bổ sung tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tập trung làm rõ hơn tình trạng khan hiếm xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua.
Đầu năm 2022, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất vì khó khăn về tài chính, nên lượng hàng giao trong tháng 2 giảm 50%; tháng 3 giảm 20%. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới tăng cao do biến động địa chính trị, cung giảm, cầu tăng, chi phí vận chuyển tăng mạnh… Có thời điểm, một số cửa hàng xăng dầu ở miền Nam ngừng bán hoặc bán cầm chừng.
Theo báo cáo, số lượng cây xăng ngừng bán hoặc bán hàng cầm chừng rất nhỏ, khoảng 30 cửa hàng ở khu vực phía Nam trên tổng số 17.000 cây xăng trên cả nước (gần 0,2%), từ đó đến nay “chưa lần nào xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu, dù là cục bộ”.
Dự kiến tổng nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước năm 2022 khoảng 20,6 - 20,7 triệu m3, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, nguồn cung xăng dầu sẽ được đảm bảo. Cụ thể, sản xuất trong nước sẽ đáp ứng khoảng 14,4 triệu m3, nhập khẩu gần 6,3 triệu m3.
Riêng quý II/2022, nhu cầu xăng dầu trên cả nước khoảng 5,2 triệu m3, nguồn cung dự kiến đạt 6,7 triệu m3. Trong đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cung cấp khoảng 1,8 triệu m3, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (Dung Quất) cung cấp khoảng 1,9 triệu m3.
Bên cạnh nguồn cung từ 2 nhà máy, sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, chưa tính đến việc doanh nghiệp thực hiện Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 (về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt) và tồn kho từ quý I (khoảng 1,5 triệu m3).
Như vậy, nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quý II và tồn kho (khoảng 1,5 triệu m3) để gối đầu sang quý III.
Mức tăng thấp hơn so với thị trường thế giới
Từ đầu năm đến ngày 1/6, mặt hàng xăng dầu đã có 14 kỳ điều chỉnh giá (11 lần tăng giá và 3 lần giảm giá). 5 lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng đều tăng theo giá thế giới. Trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng RON95 đã vượt 31.500 đồng/lít.
Dù vậy, theo Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước thời gian qua chỉ tăng 26 - 43%, trong khi giá thế giới tăng 55 - 57%.
“Trong các kỳ điều hành giá, liên bộ Công thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn”, ông Trần Duy Đông nói.
Đơn cử, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/5/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng 50,23 - 67,09%, nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/5/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng 25,04 - 46,85%.
Đại diện Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Bộ Công thương cũng đang chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được giao trong quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể về sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước, Bộ sẽ điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Đồng thời, liên bộ Công thương - Tài chính sẽ phối hợp để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới.