Đầu tư Phát triển bền vững
Không nên bỏ quên vai trò của người tiêu dùng trong thúc đẩy sản xuất thực phẩm bền vững
Nhung Bùi - 25/04/2023 19:01
Nhiều ý kiến đồng thuận rằng một trong những rào cản của việc xây dựng mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững đến từ người tiêu dùng.

Cuộc thảo luận tại phiên 4 với chủ đề “Các mô hình tiêu thụ và sản xuất”, trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, diễn ra trong ngày 25/4/2023, nóng lên với ý kiến của những người trong cuộc.

Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh góc nhìn vĩ mô từ phía chính phủ hay phương thức sản xuất, trồng trọt của người sản xuất, chính thái ủng hộ của người tiêu dùng là rào cản với các mô hình phát triển lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững.

Ngồi phía dưới hội trường, một nông hộ của Việt Nam than thở: “Chúng tôi cố gắng sản xuất theo hướng organic, theo chương trình OCOP quốc gia rất cực khổ, nhưng người dùng không muốn tiêu dùng, họ nói giá cao, họ chỉ muốn sản phẩm giá thấp. Chúng tôi nuôi dê, cừu, bò,…cho ăn cỏ tốt, không dùng các chất có hại cho khách hàng, nhưng họ đâu biết. Họ cứ mua thịt nhập khẩu từ nước nào đó, thấy rẻ là mua. Tôi mong Chính phú coi lại chính cách vì sản xuất thực phẩm sạch mà không có người tiêu thụ, nông dân nghèo càng thêm nghèo”.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 680,03 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021. Các sản phẩm nhập khẩu vô cùng đa dạng, từ thịt lợn, thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt gia cầm, cho đến phụ phẩm sau giết mổ của lợn, trâu, bò, gia cầm,…

TS Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng cần có sự hài hòa giữa các mắt xích liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng giá trị ngành lương thực, thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu dùng.

“Ví dụ, chúng tôi tập huấn cho người nông dân phương pháp sản xuất thực phẩm an toàn, nhưng người tiêu dùng không thay đổi thói quen, hành vi sử dụng hướng tới các sản phẩm xanh, sạch, thì sẽ khó tạo động lực cho người sản xuất”, nhà khoa học khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Đào Thế Anh nói thêm rằng khi người sản xuất thay đổi thì người tiêu dùng cũng cần thay đối thói quen tiêu dùng của mình, kể cả trong việc lên thực đơn hay khẩu phần ăn. Điều này sẽ tạo ra cơ chế khuyến khích của thị trường. Trong trường hợp ở Việt Nam, vị tiến sĩ đánh giá nông dân Việt Nam có phản ứng nhanh với các nhu cầu thị trường, do đó, cần có sự hài hòa giữa sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng và thực tiễn của người sản xuất.

Tại phiên 4, thực tế cho thấy không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng chứng kiến tình trạng người tiêu dùng không "mặn mà" với các thực phẩm xanh, sạch. Một đại diện đến từ Philippines khẳng định thách thức họ đang gặp phải đến từ phần nhu cầu của khách hàng. Vị này nhấn mạnh cần có chính sách nào đó để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm hơn từ phía người dùng.

Một đại diện đến từ Philippines chia sẻ tại diễn đàn.

“Chúng ta nói nhiều đến các yếu tố về sinh thái, về tiêu dùng có trách nhiệm nhưng chúng ta cần thúc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Ví dụ người tiêu dùng phải đưa ra cho người sản xuất biết nhu cầu, chế độ ăn uống họ mong muốn là gì để bên sản xuất còn cung cấp”, vị đại diện đến từ Philippines chia sẻ.

Một số chuyên gia quốc tế tiết lộ, khi thăm trang trại người nông dân và khuyến sản xuất theo hướng organic, họ được người nông dân chia sẻ rằng người tiêu dùng không muốn muốn mua các sản phẩm như vậy. Điều này đòi hỏi các tổ chức, chính phủ cần có chính sách giáo dục, tuyên truyển để hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen, hành vi của mình, chuyển sang sử dụng các thực phẩm sạch, bền vững.

TS. Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cũng gửi thông điệp: “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực đơn phù hợp để đảm bảo một nền lương thực, thực phẩm bền vững”.

Tin liên quan
Tin khác