Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Chính phủ mới sau 3 tháng hoạt động?
Thời gian qua, Chính phủ mới đã đặt quyết tâm rất cao, vào cuộc mạnh mẽ với các tuyên bố, chương trình hành động cụ thể, hiệu quả, đặt yếu tố liêm chính lên đầu, phải nói là rất quyết liệt, được nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 đã chịu tác động khách quan, nên có tăng trưởng chậm so với mục tiêu đề ra. Sáu tháng cuối năm, Chính phủ đã quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng để phấn đầu. Quốc hội đánh giá rất cao và mong muốn Chính phủ có giải pháp cụ thể để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đặt ra .
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội. |
6 tháng vừa qua, suy giảm kinh tế chủ yếu tập trung vào nông nghiệp, các nguyên nhân như cá chết, hạn hán, xậm nhập mặn… nên từ nay đến cuối năm Chính phủ phải tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, để tăng trưởng trở lại bình thường. Một nguyên nhân nữa là giá dầu đang suy giảm, Chính phủ sẽ phải có biện pháp để đỡ cho giá dầu như phải dùng lĩnh vực khác để tăng thu nhập. Bên cạnh những tuyên bố rất rõ ràng vừa qua, Chính phủ phải có giải pháp rất cụ thể dể đảm bảo tăng trưởng.
Đó là những việc Chính phủ phải làm 6 tháng tới, một chương trình hành động cụ thể, hiệu quả để đảm bảo tăng trưởng ổn định.
Nhiều năm nay, Chính phủ đã tăng khai thác dầu để đảm bảo tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện tại, theo ông, có nên tiếp tục khai thác dầu thô để bù đắp tăng trưởng?
Dầu thô là tài nguyên khoáng sản của đất nước, theo tôi không nên khai thác quá mức, vừa ảnh hưởng tới chất lượng dầu, vừa ảnh hưởng tới tài nguyên đất nước, mà nếu chúng ta lại bán với giá rẻ thì càng không nên. Theo tôi không nên khai thác thêm dầu mà chỉ giữ mức khai thác như hiện tại và tìm cách khác để bù đắp tăng trưởng.
Dầu thô là nguồn tài nguyên hữu hạn, không phải là vĩnh cửu nên phải khai thác có hiệu quả chứ không khai thác tràn lan rồi bán giá rẻ, đến lúc khác giá dầu tăng lên thì rất lãng phí, mà chúng ta không bù đắp được.
Văn kiện Đại hội Toàn quốc của Đảng đã xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp, đảm bảo kinh tế thị trường. Tuy nhiên tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa DNNN.. đến nay còn chậm, theo ông, cần làm gì để thúc đẩy tiến trình này?
Khi cổ phần hóa phải chú ý tài sản nhà nước, phải đánh giá cho sát, cho phù hợp để tránh việc thất thoát tài sản của đất nước. Đây là tài sản rất lớn của đất nước. Quan điểm của tôi là đồng ý về đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa , nhưng trong quá trình đó phải đánh giá đúng, thực chất giá trị tài sản mà của Nhà nước để khai thác quản lý cho hiệu quả, để nó biến thành nguồn lực thực sự của đất nước.
Thêm nữa, theo những thống kê, đánh giá, hiện nguồn lực trong dân rất lớn, trong lúc nhu cầu đầu tư lớn như thế, nên có chính sách để làm sao khuyến khích đầu tư phát triển, khai thác nguồn lực trong dân cho sản xuất thì mới hiệu quả. Nguồn lực trong dân mà đem gửi tiết kệm thì không hiệu quả. Chính phủ cần có chiến lược khơi dậy nguồn lực này.
Một vấn đề đang khiến Chính phủ mới "đau đầu" là nợ đọng thuế rất lớn, phần nào đó chứng tỏ doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Chính phủ phải làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Các chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp có khó khăn thực sự thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp không phải do khó khăn mà cố tình chây ỳ, trốn thuế thì phải xử lý kiên quyết, không nên để mất công bằng. Vì thuế là tài sản của Nhà nước và nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải nộp thuế đầy đủ, không được lợi dụng để mang đi sử dụng, đầu tư không đúng và đối với những hành vi trốn thuế, chây ỳ thuế phải bị xử lý nghiêm.