Không thể có điện, xăng dầu với giá bán phi thị trường
Mạnh Bôn - 13/03/2015 13:51
Sau 14 lần giảm giá xăng, 15 lần giảm giá dầu tính từ ngày 18/7/2014 đến nay, với tổng mức giảm 8.070 đồng/lít xăng RON 92; 6.190 đồng/lít dầu diesel, xăng dầu đã tăng giá trở lại từ 15 giờ ngày 11/3/2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bảng giá điện mới: Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Giá xăng tăng 1.600 đồng/lít từ 11/3
Tăng giá điện từ ngày 16/3/2015

Quyết định điều chỉnh giá xăng dầu tăng trên 1.600 đồng/lít được dự báo từ trước vì việc này tuân thủ nguyên tắc “giá thế giới tăng, giá trong nước tăng” và ngược lại, đồng thời thực hiện theo tuyên bố của lãnh đạo ngành Tài chính - Công thương: “Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng cùng chia sẻ gánh nặng khi giá xăng dầu thế giới biến động”.

 

Trong tháng 1/2015, khi giá xăng dầu cơ sở (gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, thuế bảo vệ môi trường, trích lập quỹ bình ổn...) giảm, giá bán lẻ xăng dầu đã hạ 2 lần. Đáng lý ra, giá bán lẻ xăng dầu đã phải tăng 2 lần trong tháng 2/2014 do giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng trở lại, khiến giá cơ sở tăng mạnh.

Động thái trên cho thấy, Nhà nước, doanh nghiệp đã thực sự chia sẻ với người tiêu dùng. Song do giá cơ sở xăng dầu tiếp tục tăng (tính đến ngày 11/3, giá xăng RON 92 tăng tiếp 1.004 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 238 đồng/lít) nên liên bộ Tài chính - Công thương buộc phải tăng giá bán lẻ xăng dầu, giảm mức trích bù từ Quỹ Bình ổn xuống 1.852 đồng/lít xăng và 888 đồng/lít dầu diesel.

Không chỉ người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước, mà có lẽ ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng muốn giá mặt hàng này tương đối ổn định. Nhưng trước diễn biến trên thị trường xăng dầu khu vực và thế giới hiện nay, đặc biệt kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng cũng phải “vui vẻ móc thêm hầu bao”, bởi cách điều hành giá xăng dầu hiện nay tuân thủ đúng nguyên tắc thị trường. .

Giá điện sẽ tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16/3; giá bán lẻ xăng dầu đã tăng và còn tăng từ ngày 1/5/2015 khi Biểu thuế thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua có hiệu lực. Điều này chắc chắn tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, do CPI đã giảm liên tiếp trong 4 tháng gần đây, nên mục tiêu giữ CPI cả dưới mức 5% trong năm nay là không đáng lo trước tác động từ cú đúp tăng giá. Với riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận một thực tế là ngay cả khi giá xăng tăng thêm 2.000 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 1.000 đồng/lít từ ngày 1/5/2015, thì giá bán hai mặt hàng này của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, giá mỗi lít xăng RON 92 của Việt Nam hiện thấp hơn Campuchia 2.588 đồng, thấp hơn Lào 3.680 đồng, thấp hơn Thái Lan 435 đồng và chỉ cao hơn Trung Quốc 692 đồng… Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp nội địa vẫn có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh nhất định.

Tất nhiên, giá điện, xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một số doanh nghiệp tiêu thụ nhiều hai mặt hàng này, nhất là doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép. Trong bối cảnh thị trường một số ngành hàng có dấu hiệu bão hoà thì để đảm bảo hiệu quả đầu tư, những ngành tiêu thụ nhiều điện năng, xăng dầu buộc phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đây có lẽ là lối thoát duy nhất với những doanh nghiệp này, vì trong cơ chế thị trường, không ngành hàng sản xuất nào có thể tồn tại mãi nhờ tiêu dùng diện, xăng dầu với giá bán phi thị trường.

Tin liên quan
Tin khác