Doanh nghiệp
Không tiếp tục kéo dài việc hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh cho các hãng bay
Anh Minh - 12/04/2023 17:01
Từ năm 2022, thị trường vận tải nội địa đã dần phục hồi như trước dịch Covid-19 nên không có cơ sở để kéo dài việc hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh cho các hãng bay.
Một tàu bay Boeing787 của Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay Nội Bài.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) liên quan đến kiến nghị xin hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh năm 2023 của hãng hàng không quốc gia.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn ngành hàng không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, căn cứ trên các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về việc áp dụng chính sách giảm giá dịch vụ cất hạ cánh nội địa cho các hãng hàng không Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 19/2020/TTBGTVT ngày 1/9/2020 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 1/9/2020 và Thông tư số 21/2021/TT-BGTVT ngày 26/9/2021 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021, theo đó, áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

Vào cuối tháng 3/2023, Bộ GTVT đã họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét kiến nghị của Vietnam Airlines nêu trên và thấy rằng chưa đủ cơ sở để xem xét giảm giá dịch vụ cất hạ cánh nội địa như kiến nghị. Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị Vietnam Airlines thực hiện đúng quy định hiện hành về giá dịch vụ cất hạ cánh tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

Lý do được Bộ GTVT đưa ra là năm 2022, sản lượng vận chuyển nội địa đạt 43,2 triệu khách tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019; dự báo thị trường vận chuyển nội địa năm 2023 đạt 45,5 triệu khách tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019.

Như vậy, năm 2022 và 2023 thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ dịch vụ cất hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định, tuy nhiên, nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho công tác sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không đảm bảo khai thác an toàn.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cất hạ cánh năm 2023. Vietnam Airlines cho biết, mặc dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng khoảng 16% so với 2019 nhưng thị trường quốc tế năm 2022 mới chỉ phục hồi được khoảng 30% so trước dịch.

Hơn nữa, thực tế năm 2022 và dự kiến năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới. Do vậy, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn đối với ngành hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019.

Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không dự kiến khó có thể kinh doanh có lãi về vận tải hàng không đồng thời phải xử lý các hậu quả nặng nề của gần 3 năm Covid.

Để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trong thời trước mắt, Vietnam Airlines đánh giá các hãng hàng không vẫn rất cần sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT thông qua việc tiếp tục duy trì các giải pháp chính sách hỗ trợ về chi phí, đảm bảo khả năng cạnh tranh khi có sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không quốc tế.

Vietnam Airlines cho biết, một trong các giải pháp đề xuất có thể thực hiện được ngay đó là tiếp tục hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2022 và 2023 như đã được áp dụng trong giai đoạn 2020-2021. Theo ước tính, chính sách này sẽ giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Tin liên quan
Tin khác