Bộ Tài chính vừa có ý kiến chính thức về việc không thực hiện bất cứ ưu đãi nào đối với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ngoài việc giảm thuế xuất khẩu than đá; than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá từ 13% xuống 10% kể từ ngày 1/9/2013.
| ||
Vinacomin nộp ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm |
Theo số liệu của Vinacomin, tổng khối lượng khoáng sản ở dạng năng lượng sơ cấp (than, dầu mỏ, khí đốt và thủy điện) năm 2012 khai thác đạt 61 triệu tấn (quy dầu), trong đó than chiếm 36%.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, sản lượng than khai thác và tiêu thụ than đạt khoảng 23,7 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, tiêu thụ trong nước tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012.
Vinacomin cho biết đã tích cực chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất than từ khai thác lộ thiên sang hầm lò; ban hành các quy chế quản lý nội bộ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tìm các giải pháp để tiết giảm chi phí, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp lý, linh hoạt phù hợp với thị trường tiêu thụ, kiểm soát được giá thành của các đơn vị và toàn Tập đoàn... Nhờ đó hàng năm, Vinacomin sản xuất kinh doanh đều có lãi, đóng góp ngân sách khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm.
Mặc dù khẳng định “Vinacomin sản xuất kinh doanh đều có lãi, đóng góp ngân sách khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm”, nhưng tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Vinacomin vẫn kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để giảm các loại thuế, phí (thuế tài nguyên, phí môi trường, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào...) đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu than.
Hiện tại thuế tài nguyên đối với than antraxit hầm lò và các loại than khác là 5%; thuế tài nguyên đối với than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ là 7% tăng 3 - 5 điểm phần trăm so với thời điểm trước năm 2007 nhưng số thu ngân sách từ khoáng sản than qua thuế tài nguyên đã tăng từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 3.120 tỷ đồng vào năm 2012.
“Hiện giá than bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh tăng từ 1/8/2013 theo nguyên tắc bù đắp được giá thành toàn bộ năm 2013, tối đa bằng giá than xuất khẩu cùng chủng loại. Vì vậy, cần phải điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với than từ 5% lên 7% và từ 7% lên 9%”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết quan điểm của Bộ Tài chính.
Theo ông Tuấn, thuế tài nguyên đối với than nếu được điều chỉnh lên 7% và 9% vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động, trong khi thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm trên 957 tỷ đồng/năm.
Đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng đối với than xuất khẩu của Vinacomin cũng không được Bộ Tài chính chấp thuận với lý do, than xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến, không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nên không được khấu trừ hoặc hoàn thuế đầu vào.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng không đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường trong việc khai thác than của Vinacomin mà yêu cầu ngành than phải thực hiện theo đúng quy định về thuế mức thuế bảo vệ môi trường phải nộp vào ngân sách nhà nước hiện hành là 10.000 đồng/tấn than nâu, than mỡ, than đá và 20.000 đồng/tấn đối với than antraxit khai thác được.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, khai thác than còn phải chịu phí bảo vệ môi trường từ 6.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn than khai thác. Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ chỉ ban hành khung phí bảo vệ môi trường, còn mức phí cụ thể do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Tương tự, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác bauxite (do Vinconmin thực hiện) hiện nay là từ 30.000 đồng đến 50.000 tấn quặng khai thác được. Mức phí này cũng do HĐND cấp tỉnh quyết định dựa vào khung phí do Chính phủ quy định.
Theo bà Mai, mức phí bảo vệ môi trường hiện nay đối với than và bauxite do HĐND cấp tỉnh quy định vẫn còn thấp, chưa đủ kinh phí để xử lý môi trường hiện nay do khai thác quặng gây ra.
Hàn Tín