Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch đông - xuân năm 2023, ngày 24/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.
Trong tọa đàm về tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, vốn tín dụng là vấn đề được cộng động thương nhân xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.
Trong công văn vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch đông - xuân trong những tháng đầu năm 2023; Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng và đánh giá rủi ro nhằm tăng cường cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, gồm: (i) Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 và Công văn số 7378/NHNN-TD ngày 01/10/2018 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; (ii) Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện một số nội dung sau:
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch đông - xuân năm 2023; không để xảy ra tình trạng khách hàng phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng dẫn tới ách tắc trong khâu thu mua thóc, gạo trên địa bàn.
Bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay ngành gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của ngân hàng thương mại về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.