Kịch bản nào cho kinh tế nửa cuối năm 2017?
GDP quý II/2017 đạt mức tăng trưởng 6,17%, kéo tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 5,73% đã khiến các nhà hoạch định chính sách và cả các chuyên gia kinh tế khá hứng khởi. Thậm chí, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế cao cấp Cao Viết Sinh cho biết, phải sau 30 quý kể từ quý III/2009, đến quý II/2017 mới có mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước tới 1,02 điểm phần trăm.
“Nếu không kể yếu tố khai khoáng thì tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là 6,85%. Yếu tố giúp tăng trưởng là nhờ khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, thủy sản phục hồi…”, ông Cao Viết Sinh nói.
Sản xuất tại Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Hà Nội). Ảnh: Chí Cường |
Đó là những nền tảng cơ bản để Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ mới đây đã xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế khá khả quan. Đó là tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt 7,23%, quý IV là 7,57%. Theo đó, GDP 9 tháng sẽ tăng trưởng 6,29%, 6 tháng cuối năm tăng 7,42%, còn cả năm đạt mức tăng trưởng 6,7%. Có nghĩa là, nếu nền kinh tế diễn biến đúng theo hướng này, thì sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%.
Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm. Kịch bản kinh tế cho 6 tháng cuối năm được Ủy ban xây dựng ở mức thấp hơn so với kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, trong điều kiện cả tổng cầu và tổng cung tiếp tục được cải thiện và hỗ trợ bởi chính sách và môi trường kinh doanh, dự báo tăng trưởng 2 quý cuối năm sẽ đạt lần lượt là 6,9 - 7,2% và 7,3 - 7,5%. “Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6,5 - 6,7%”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm. Cụ thể, cầu đầu tư và chi tiêu chính phủ sẽ được cải thiện khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh.
Trong khi đó, tổng cung cũng đã liên tục được cải thiện trong thời gian dài vừa qua và xu thế này sẽ tiếp tục khi giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến - chế tạo được cải thiện trong những tháng cuối năm nhờ tăng sản lượng sản xuất điện thoại, qua đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo có khả năng đạt 12 - 13% trong năm 2017.
Việc giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị trong 6 tháng năm 2017 tăng 37,8% so với cùng kỳ, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho thấy năng lực sản xuất sẽ được cải thiện trong quý II/2017. Trong bối cảnh đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 đạt 51,6 - là tháng 18 liên tiếp đạt trên 50 điểm - cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong lĩnh vực sản xuất.
“Kết hợp với việc tăng khai thác dầu thô thêm 1,5 triệu tấn (đóng góp khoảng 0,38 điểm phần trăm vào tăng trưởng), thì những yếu tố tác động tăng trưởng những tháng cuối năm sẽ được cải thiện mạnh”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Cải cách để tăng trưởng
Dù các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm được xây dựng khá lạc quan, song một cách thẳng thắn, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thậm chí là 6,5% trong năm nay không hề dễ, phải rất nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được.
Đồng tình với quan điểm này, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu này, phải cố gắng thường xuyên trong 6 tháng cuối năm. “Không nên hài lòng, chủ quan, mà phải thực sự nỗ lực. Nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp thì khó đạt được mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo đó, theo ý kiến của các chuyên gia, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra để thúc đẩy tăng trưởng, như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, kể cả tăng khai thác dầu thô..., thì phải tập trung cho cải cách. Bởi như lo ngại của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi dồn sức cho tăng trưởng sẽ dễ bỏ quên cải cách. Do vậy, phải rất thận trọng khi đưa ra các thông điệp vĩ mô, nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn để có tăng trưởng là thiếu nhất quán.
“Tiềm năng để đạt được mức tăng trưởng vẫn là ở mục tiêu cải cách. Trong đó, tập trung cải cách doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí, khi đó hiệu quả đạt được sẽ rất lớn”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia Cao Viết Sinh, xu hướng nhập khẩu tăng kéo theo nhập siêu tăng trong những tháng đầu năm là rất đáng chú ý, bởi nhập siêu cao sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế.
“Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,48 điểm phần trăm vào tăng GDP; tích lũy tài sản tăng 9,5%, đóng góp 4,26 điểm phần trăm tăng GDP; nhưng chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lại làm giảm 7,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Thực tế 6 tháng đã nhập siêu 4,5 tỷ USD, trong đó nhập siêu hàng hóa là 2,7 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ là 1,8 tỷ USD. Phải rà soát chặt chẽ nhập siêu, nhất là nhập siêu dịch vụ, để từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng. Đây là dư địa rất lớn giúp cho tăng trưởng bền vững”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.