Đầu tư
Kịch bản phát triển kinh tế trục Đông - Tây
Việt Hương - 20/11/2022 08:42
Các địa phương Duyên hải miền Trung luôn xác định mối quan hệ chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên. Tây Nguyên chính là hậu phương vững chắc cho vùng đồng bằng duyên hải, còn vùng duyên hải là cánh cửa để Tây Nguyên vươn ra thế giới.
Tuyến Quốc lộ 19 kết nối duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Dũng

Định hình chiến lược phát triển

Miền Trung và Tây Nguyên có hình thế địa lý phát triển khác hẳn hai vùng phía Bắc và phía Nam của đất nước. Nếu ở hai đầu đất nước, không gian phát triển tương đối tập trung, thì miền Trung và Tây Nguyên trải dài dọc biển - ven núi.

Trong điều kiện như vậy, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nếu chọn cách phát triển tách biệt từng địa phương, không gian phát triển của từng tỉnh sẽ thu hẹp, đối mặt với những thách thức lớn về địa lý, gây lãng phí điều kiện hạ tầng hiện có và cả nguy cơ “cạnh tranh xuống đáy”.

Tư duy vùng và bài toán hạ tầng miền Trung - Tây Nguyên, theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần được kích hoạt theo hướng vừa phát huy lợi thế, vừa xử lý được các tranh chấp, xung đột giữa cấu trúc ngành và lợi ích của các địa phương. Trong đó, điểm đặc sắc nhất của khu vực này là hạ tầng.

Theo ông Thiên, thực tế ở khu vực này, việc phát triển cảng phục vụ công nghiệp hay cảng phục vụ du lịch đều rất tiềm năng, nhưng đứng ở góc độ địa phương, việc đầu tư phát triển cảng phục vụ công nghiệp sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhanh hơn, lớn hơn.

Vì vậy, dù khả năng khai thác hết công suất không dễ dàng do sản lượng công nghiệp, nông nghiệp không đủ bảo đảm hình thành “hậu phương kinh tế vững chắc” của hệ thống cảng biển trong khu vực, các địa phương vẫn ít chọn đầu tư cảng du lịch.

Tương tự, cũng có những địa phương trên thực tế vẫn không hoặc chưa chọn ưu tiên phát triển ngành mũi nhọn là du lịch, dù tiềm năng có, do ngại cạnh tranh trực tiếp với các địa phương trong vùng đã đi trước.

Nếu Đà Nẵng muốn trở thành điểm đáng đến, đáng sống của khu vực, thì các nguồn lực thu hút sẽ tập trung vào hạ tầng đô thị, hạ tầng phát triển công nghệ cao kết nối với các trung tâm đổi mới, sáng tạo trên toàn cầu. Nếu Quảng Trị muốn trở thành trung tâm năng lượng của khu vực thì hạ tầng phải kết nối với cảng biển, sân bay. Nếu Phú Yên muốn trở thành trung tâm du lịch của châu lục thì hạ tầng phải kết nối được với các trung tâm du lịch của khu vực và thế giới...

Các tỉnh phía Đông có mặt tiền giáp biển, phía Tây giáp với Lào, Campuchia, Thái Lan, là điều kiện thuận lợi để liên kết, hợp tác phát triển. Trong lần tham gia ý kiến tại Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng và vùng kinh tế miền Trung - Tây Nguyên, TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến đặc điểm này và khuyến nghị, trong định hướng quy hoạch, các địa phương khu vực duyên hải miền Trung cần đặt ra những yêu cầu khắt khe về bảo đảm tính liên kết hiệu quả thông qua các tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch để kết nối với các cửa khẩu quốc tế và điểm cuối xuất khẩu hàng hóa là các cảng biển nước sâu như Kỳ Hà - Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô…

Chỉ tính riêng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, toàn vùng (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định) hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600 km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Tiến về khu vực Nam miền Trung, tiếp giáp phía Đông Tây Nguyên, vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng thành vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, cửa ngõ giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Kết nối giao thông là yêu cầu cấp thiết để tạo động lực phát triển Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Đây là điều kiện tiên quyết trong chiến lược phát triển của khu vực.

Cơ hội mở lối cho tương lai

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (ngày 6/10/2022) của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Tổng Bí thư mong muốn các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo chuyển biến thật mạnh mẽ theo tinh thần "Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".

Trong những điểm mới của Nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu cần phải nhận thức rõ, vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong vùng và vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ.

Nói về cơ hội mở lối cho tương lai, trong kịch bản phát triển kinh tế trục Đông - Tây. Để mở rộng “mạch máu” cho các tuyến cao tốc, Chính phủ đã quyết định đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đưa khu vực này tiến gần với giấc mơ “xuyên Á”.

Với con số khoảng 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư được bung ra trong giai đoạn 2021-2025 để mở rộng mạng lưới đường cao tốc, chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong đó, Dự án Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, với chiều dài trên 117,8 km, tổng mức đầu tư lên tới 21.935 tỷ đồng, được Chính phủ ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn ngân sách. Theo kế hoạch, Dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026, mở cánh cửa ra biển ngắn nhất, thuận lợi nhất cho Tây Nguyên, đồng thời tăng cường tính liên kết giữa hai vùng kinh tế quan trọng của đất nước.

Hay tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, có tới 10/12 dự án thành phần được triển khai tại khu vực miền Trung với 2 phân đoạn chính là Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa). Tổng chiều dài của đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua miền Trung lên tới 620 km.

Nếu tính cả 565 km thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được Bộ GTVT triển khai thi công, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc La Sơn - Túy Loan, thì tổng chiều dài cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn miền Trung lên tới 1.200 km. Đây là một lợi thế hạ tầng giao thông tại khu vực miền Trung mà không có bất cứ khu vực nào trong cả nước có thể so sánh.

Khi hạ tầng hoàn chỉnh, cơ hội mới sẽ giúp các tỉnh miền Trung tiến gần với giấc mơ “xuyên Á”. Trong đó, tâm điểm chính là đón đợi dòng vốn đầu tư mới đổ về. Đúng như nhận định của ông Andreas Hirschfelder, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kurz (CHLB Đức): “Môi trường đầu tư và hạ tầng tốt hấp dẫn nhà đầu tư”.

Nhìn nhận thực tế về môi trường để doanh nghiệp này lựa chọn “xuống tiền” cho những dự án ngàn tỷ tại miền Trung, ông Andreas Hirschfelder nhấn mạnh: “Sau khi khảo sát hơn 10 tỉnh, thành phố và 20 khu công nghiệp tại Việt Nam, Kurz đã quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex VISIP Bình Định vì những yếu tố về môi trường đầu tư, môi trường xanh, hạ tầng giao thông, khả năng ứng dụng công nghệ và sự nhiệt tình của người Bình Định”.

Kết nối Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên thông qua các dự án hạ tầng

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I dài khoảng 117,5 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 (Km0+00 - Km32) có tổng mức đầu tư dự kiến 5.632 tỷ đồng, được giao UBND tỉnh Khánh Hòa; Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, được giao UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần 2 (Km32 - Km69+500) trị giá 9.818 tỷ đồng, giao Bộ GTVT quản lý do đoạn tuyến này nằm trên ranh giới 2 tỉnh và phức tạp về địa chất, địa hình.

Ba tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đã có tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Gia Lai - Quy Nhơn: Mở lối cho Tây Nguyên vươn biển. Dự kiến đây là tuyến đường cao tốc được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, có 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức như PPP, BOT, BT… Trong đó, giai đoạn I của dự án từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ có 2 làn xe (giải phóng mặt bằng 4 làn xe) với tổng kinh phí 40.000 tỷ đồng; giai đoạn II của dự án từ năm 2026 đến 2030 sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch 4 làn xe.
Tin liên quan
Tin khác