Đầu tư
"Kích" động cơ FDI của cỗ xe tăng trưởng
Hà Nguyễn - 22/05/2020 07:35
Vẫn luôn được coi là một trong 4 động cơ quan trọng của cỗ xe tăng trưởng Việt Nam, nên không khó hiểu vì sao, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giờ đây trở thành một “mũi giáp công” giúp kinh tế Việt Nam phục hồi. Vấn đề là làm sao “kích” động cơ này hoạt động nhanh, mạnh, hiệu quả hơn.
TIN LIÊN QUAN
Dòng vốn đầu tư nước ngoài dù chậm lại bởi Covid-19, song vẫn tìm đến Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam.

Cơ hội không tự nhiên mà có

Giữa hiếm hoi các cuộc tiếp xúc để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam thời Covid-19, ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng giám đốc AEON MALL Việt Nam vừa có cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và chia sẻ kế hoạch đầu tư Dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Theo ông Nakagawa, nếu được chấp thuận, AEON sẽ đầu tư một dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay mà Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, AEON MALL đang nghiên cứu để triển khai một số dự án trung tâm thương mại khác trên địa bàn Hà Nội.

Việc mở rộng đầu tư ở Hà Nội đã nằm trong kế hoạch từ lâu của AEON. Song vào thời điểm Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các cuộc hội họp, các quyết định đầu tư đều đang bị tạm ngừng, thì đây là một thông tin tích cực.

Cũng tích cực không kém là việc Tập đoàn Shilla (Hàn Quốc), cuối tháng 6 tới, sẽ mở cửa Khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram Quangnam Danang tại Quảng Nam. Shilla đang là thương hiệu khách sạn hạng sang hàng đầu ở Hàn Quốc và là “con đẻ” của Samsung. Đây là lần đầu tiên, Shilla đầu tư ra nước ngoài và việc Việt Nam được lựa chọn chắc chắn không phải “tự nhiên mà có”.

Tương tự, Apple không “tự nhiên” quyết định dịch chuyển sản xuất nhiều linh kiện cho các sản phẩm của mình sang Việt Nam. Không chỉ tai nghe, nhiều khả năng, các loại màn hình và linh kiện khác cho iPhone cũng sẽ được sản xuất trong các công xưởng ở Việt Nam.

Những động thái trên đã một lần nữa khẳng định, dòng vốn đầu tư nước ngoài dù đang chậm lại bởi đại dịch Covid-19, song vẫn tìm đến Việt Nam. Nhiều dự báo còn cho rằng, Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

“Với môi trường kinh doanh ổn định và giải pháp chống dịch hiệu quả, các nhà đầu tư sẽ thêm tin tưởng vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng đầu tư vào Việt Nam, đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị”, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

“Thêm tin tưởng”, nên dù Covid-19 hoành hành, 4 tháng đầu năm, vẫn có 12,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Tuy giảm so với cùng kỳ, song đó là sự sụt giảm có thể giải thích được.

“Kích” động cơ tăng trưởng FDI

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại khi quy mô các dự án FDI vào Việt Nam đang giảm dần. Điều đó cho thấy, dòng vốn dịch chuyển chủ yếu là từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

“Để tránh trở thành ‘cửu vạn’ cho các dòng chảy thương mại nhằm né thuế, Việt Nam cần những chính sách đón đầu nhưng phải chọn lọc kỹ lưỡng”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Có cùng nỗi lo về sự ngày càng nhỏ đi của quy mô các dự án FDI, song điều khiến GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài băn khoăn là, nếu vậy, “đất” cho doanh nghiệp trong nước bị nhỏ đi và điều đó là không nên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu một chiến lược mới trong thu hút FDI, với mong muốn thu hút được các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn. Hơn nữa, điều quan trọng là, Việt Nam cũng đang mong muốn thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển.

Vì thế, thách thức với Việt Nam là, một mặt phải “cản” được dòng vốn FDI kém chất lượng, mặt khác cạnh tranh được để có thể đón dòng vốn đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau Covid-19 nói riêng, cũng như dòng vốn đang dịch chuyển vào khu vực châu Á nói chung. Làm sao để khu vực FDI thực sự trở thành một “mũi giáp công” giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển.

Có khá nhiều bất cập về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được nhắc đến. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn than phiền về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, về chuyện thiếu điện và thiếu các cơ sở hạ tầng quan trọng. Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu luôn lo ngại về tính minh bạch và khó dự báo, thậm chí đến mức “tiền hậu bất nhất” trong chính sách. Nạn nhũng nhiễu, thủ tục hành chính rườm rà cũng là điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài “trừ điểm” Việt Nam.

Trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, một lần nữa, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục nói về việc khó tiếp cận đất đai và phải chi nhiều khoản chi không chính thức, dù tình hình đã được cải thiện nhiều. “Các nhà đầu tư cho rằng, hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam cần trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Ông Tuấn cho biết, trong quá trình điều tra, nhóm nghiên cứu phát hiện có 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm qua đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này.

Nhưng quan trọng là, các con số trên có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. “Những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất - kinh doanh”, ông Tuấn nói.

Muốn FDI thành “mũi giáp công” để phục hồi kinh tế, những điểm yếu trên cần phải được khắc phục. Bên cạnh đó, theo ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam phải nâng cao chất lượng nhân lực và phát triển hệ thống doanh nghiệp địa phương để kết nối được chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.

“Phải tăng chuẩn để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của Việt Nam”, ông Sang nói.

Vốn nước ngoài sẽ nhanh chóng quay lại

Trong bối cảnh Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng đầu tư toàn cầu năm nay sụt giảm 30-40%, thì vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có thể giảm 20% so với năm ngoái. Tuy vậy, dòng vốn này sẽ nhanh chóng quay lại trong những năm tới, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực.
Tin liên quan
Tin khác