Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) vừa được tổ chức sáng nay, thông qua tất cả các tờ trình.
Theo đó, công ty này đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng; tương đương tăng lần lượt 33% và 31% so với kết quả năm vừa qua.
Ngoài ra, mức cổ tức năm 2022 tương đương năm 2021 là 6% bằng tiền mặt, tương đương 600 đồng/cổ phần.
Ban chủ toạ Đại hội thường niên năm 2022 trả lời câu hỏi cổ đông theo hình thức trực tuyến. |
KIDO cũng lên phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10%, phát hành cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với tỷ lệ 4% và thông qua giao dịch mua cổ phiếu cổ phần Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - (VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai.
Cụ thể, công ty này sẽ trả cổ tức năm 2021 ở mức 6% trên mệnh giá cổ phần (600 đồng/cp) và phát hành tối đa 25.162.401 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 2.797 tỷ đồng lên 3.149 tỷ đồng.
Như vậy cứ với 10 quyền nhận thêm cổ phiếu (1 cổ phiếu là 1 quyền), cổ đông có thể mua thêm 1 cổ phiếu mới.
KIDO sẽ dùng nguồn vốn từ đợt phát hành để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của công ty.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2019- 2021 của KIDO. |
Thêm vào đó, với người lao động, công ty sẽ chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ 15.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu ưu đãi này cho nhân viên sẽ bị hạn chế trong một năm.
Tính đến cuối năm 2021, KIDO sở hữu trực tiếp 85,07% vốn Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An và sở hữu gián tiếp 87,29% vốn Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Nhằm phục vụ cho kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh, KIDO được quyền nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt đến tối đa 100% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của hai công ty nêu trên mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Hệ thống các ngành hàng của KIDO. |
Với ngành snacking, Tập đoàn này đã trở lại thị trường bánh kẹo sau 6 năm vắng bóng từ tháng 10/2021, với việc ra mắt thương hiệu bánh tươi KIDO’s Bakery.
Trong năm nay, KIDO đề ra chiến lược cho ngành hàng này bao gồm cho ra mắt các sản phẩm hướng tới nhóm khách hàng cao cấp.
Cùng với đó là gia tăng hiện diện với nhóm sản phẩm ăn vặt, bánh trung thu, bánh tươi, quà biếu lễ hội… cũng như lên kế hoạch ra mắt sản phẩm cà phê rang xay đóng túi và cà phê đóng chai.
Còn với chuỗi Chuk Chuk, số lượng cửa hàng sẽ không dừng ở mức 30 như cuối năm 2021 mà sẽ tiếp tục được mở rộng lên 200- 300 cửa hàng trong năm nay, trước hết là các tỉnh phía Bắc Việt Nam từ giữa năm và từng bước mở rộng sang các nước trong khu vực thông qua việc tìm kiếm các đối tác.
Thương hiệu này cũng sẽ được phát triển theo 3 mô hình gồm cửa hàng, ki- ốt và xe đẩy.
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt mang lại phần lớn doanh thu cho KIDO như dầu ăn (chiếm 39% thị phần mảng bán lẻ ) và kem (chiếm hơn 43%), trong năm nay, ban lãnh đạo KIDO cho biết sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị…
Kết quả kinh doanh năm 2021 từng đơn vị thuộc KIDO:
✓: Công ty mẹ KIDO: Doanh thu thuần đạt 11.509 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 524 tỷ đồng.
✓: Dầu thực vật Tường An: Doanh thu thuần đạt 6.294 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng. Ngày 18/1/2022, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, Tường An thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu, hủy tư cách công ty đại chúng.
✓: Vocarimex: Doanh thu thuần đạt 1.496 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng.
✓: KIDO Nhà Bè: Doanh thu thuần đạt 1.608 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 35,5 tỷ đồng.