Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, năm 2021, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát quanh mức 4%. |
Dịch bệnh không tác động tới CPI?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng 1/2021, tăng 1,58% so với tháng 12/2020 và tăng 0,70% so với cùng kỳ năm 2020 (mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016); bình quân 2 tháng đầu năm, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2/2021 tăng mạnh, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), ngoài việc tăng theo quy luật (do tháng 2/2021 rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán), còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kết thúc chương trình hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng, khiến giá điện sinh hoạt tăng hơn 20%, làm CPI chung tăng 0,66 điểm phần trăm; và giá xăng dầu trên thế giới tăng, khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng 4,35%, gas tăng 6,74%.
Hai tháng đầu năm 2021 cũng là khoảng thời gian làn sóng Covid-19 thứ 3 đổ bộ vào Việt Nam và có mức độ ảnh hưởng mạnh hơn rất nhiều so với 2 lần trước. Tuy nhiên, dịch bệnh đã không tác động tiêu cực đến CPI.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dịch bệnh không tác động tiêu cực đến CPI là nhờ ngành công thương đã thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phòng chống dịch bệnh cho thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh của người dân kể cả trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán và thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương, nên tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân trong việc bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
“Khi làn sóng Covid-19 thứ 3 bùng phát, trên thị trường hầu như không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, thị trường vẫn bình ổn như không hề có dịch bệnh. Điều này có thể khẳng định, dù dịch bệnh có thể quay trở lại, nhưng không tác động tới CPI năm 2021. Vì vậy, lạm phát năm nay phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng do kinh tế thế giới phục hồi trở lại sau một năm suy thoái trên 4%; việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công, đặc biệt là viện phí và học phí theo lộ trình và tình hình thiên tai, thời tiết bất lợi…”, ông Long nhận định.
Hai kịch bản cho lạm phát
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, năm 2021, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát quanh mức 4%. TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, CPI năm nay chỉ xoay quanh mức 4%. Tuy nhiên, ông Phương cũng lo ngại việc kiểm soát lạm phát năm 2021 có nhiều bất lợi.
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay đặt ra khá cao (6,5%), trong khi mô hình tăng trưởng vẫn dựa trên nhân tố đầu vào, trong đó có vốn, tạo ra sức ép lên lạm phát; lạm phát cơ bản tăng liên tục và đã vượt 2%; giá dịch vụ y tế, giáo dục vẫn tiếp tục tăng theo lộ trình…
“Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát năm nay cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là, CPI bình quân kể từ năm 2015 đều dưới 4%, tạo tiền đề thuận lợi để kiểm soát lạm phát năm 2021; cung hàng hóa dồi dào, kể cả khi dịch bệnh xảy ra, khiến giá cả không chịu biến động bởi dịch bệnh. Kể từ năm 2012 đến nay, ngoại trừ năm 2015, Việt Nam xuất siêu liên tục, giúp tỷ giá ổn định; kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ kiểm soát lạm phát”, ông Phương phân tích.
Theo ông Phương, có 2 kịch bản CPI trong năm nay.
Kịch bản thứ nhất là thế giới khống chế được đại dịch (sau khi đã có vắc-xin, kinh tế thế giới phục hồi nhanh chóng, có thể đạt 5,2% như dự báo của IMF. Kinh tế thế giới phục hồi kéo theo nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu tăng và để bảo đảm cho sự phục hồi, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều sử dụng gói kích cầu khổng lồ sẽ tạo sức ép lên mặt bằng giá cả hàng hóa của Việt Nam. Với kịch bản này, nếu không có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu, quyết liệt, thì năm nay, CPI của Việt Nam có thể tăng 4 - 4,5%.
Kịch bản thứ hai là lượng vắc-xin trên thế giới không đủ cung cấp cho đại đa số người dân, trong khi virus Corona liên tục biến thể, khiến đại dịch vẫn tiếp diễn, kinh tế thế giới không tăng cao như dự báo, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu thấp. Với diễn biến như vậy, CPI của Việt Nam trong năm nay dao động từ 3,8% đến 4%.