Tài chính - Chứng khoán
Kiếm tiền tỷ từ cổ phiếu giá "bèo"
Phương Mai - 11/12/2015 08:57
Không hẳn là công ty làm ăn thua lỗ kéo dài hay đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng giá cổ phiếu vì nhiều lý do sụt giảm chỉ còn vài nghìn đồng/cổ phiếu và thanh khoản ở mức rất thấp. Vậy nhưng, không ít NĐT kiếm được tiền tỷ từ các cổ phiếu loại này.
Những cổ phiếu tăng giá gấp vài lần trong thời gian ngắn là TNT, SHN, OGC, VC3…

Cổ phiếu TNT tăng gấp 6 lần

Một nhà đầu tư chia sẻ, anh đã mua 400.000 cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên ở vùng giá 4.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2015. Vừa qua, cổ phiếu TNT được giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng 6 lần. Như vậy, với giá trị đầu tư ban đầu 1,6 tỷ đồng, sau gần 1 năm, số cổ phiếu TNT của anh có giá trị xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Trong tháng 11, giá cổ phiếu TNT tăng vùn vụt, nhưng nhà đầu tư nêu trên không bán ra, cho dù hàng ngày vẫn theo dõi bảng điện tử. Một nhà đầu tư khác sau khi nghe câu chuyện này đã phải thốt lên: “Thật là gan lì! Có lẽ thừa tiền nên bỏ quên tài khoản, không nhìn bảng điện tử, chứ ngồi theo dõi hàng ngày, thấy giá cổ phiếu tăng gấp mấy lần mà không bán,  quá bản lĩnh và cũng quá... liều”.

Trong khi đó, chủ tài khoản cho rằng, anh vẫn chưa nhìn thấy đỉnh của cổ phiếu và do nắm bắt được câu chuyện nội bộ của doanh nghiệp nên quyết định tiếp tục “ôm”.

Thực tế, giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2014, một cổ đông nước ngoài là Zheng Lan Ying mua bán liên tục cổ phiếu TNT, khi đó giá cổ phiếu này dao động quanh 4.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch cuối cùng được công bố cho thấy, Zheng Lan Ying nắm giữ 405.000 cổ phiếu TNT, chiếm tỷ lệ 4,76% Công ty, ngày thực hiện giao dịch là 22/12/2014.

Được biết, TNT hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản tại tỉnh Điện Biên. Năm 2013, TNT thua lỗ 19 tỷ đồng, năm 2014 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, sau đó cuối năm 2014 được chuyển sang dưới dạng cảnh báo.

Năm 2014, TNT lãi hơn 4 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch lãi từ 11,7 - 14 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, TNT lãi 1,77 tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu có diễn biến tăng chóng mặt.

Câu chuyện của TNT được các “đội lái” chú ý đó là trong năm 2015, công ty này muốn tăng vốn gấp 3 lần, từ 85 tỷ đồng lên 255 tỷ đồng, bằng cách phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. TNT cũng đã thông báo ngày chốt quyền là ngày 25/12/2015.

Số vốn 170 tỷ đồng dự kiến tăng thêm sẽ được TNT hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên tại Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Dự án Khu nhà ở phía tây sông Nậm Rốm.

Chưa rõ hiệu quả của các dự án bất động sản này đến đâu, nhưng giá cổ phiếu TNT đã tăng hơn 6 lần trong năm. Nhà đầu tư đã mua 400.000 cổ phiếu TNT nêu trên chia sẻ, anh quyết định giữ cổ phiếu TNT vì biết được thông tin rằng, Công ty vẫn còn một số dự án bất động sản.

Cổ phiếu SHN tăng gần 8 lần sau 2 tháng

Cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội trong năm 2015 đã có lúc tăng một mạch từ 2.700 đồng/cổ phiếu (tháng 4/2015) lên 20.700 đồng/cổ phiếu (10/6/2015).

Cổ đông SHN trong một thời gian ngắn đã kiếm siêu lợi nhuận nhờ SHN có cổ đông chiến lược là CTCP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và CTCP Tập đoàn đầu tư An Bình (ABFG). Thông tin này đến tháng 6/2015 mới được chính thức công bố, nhưng cổ phiếu SHN đã có diễn biến tăng trần liên tục từ 2 tháng trước đó.

Cổ phiếu này cũng có một thời kỳ thăng trầm khi giá giảm từ 22.000 đồng/cổ phiếu xuống 8.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu SHN đang được giao dịch ở mức 13.000 đồng/cổ phiếu, tăng 62,5% trong tháng 11, sau khi SHN công bố lãi 177 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 6,569 triệu cổ phần CTCP Sapa Hưng Yên.

Cổ phiếu OGC tăng gấp đôi trong 1 tháng

Cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương được giao dịch quanh mức 2.500 đồng/cổ phiếu trong suốt thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2015, sau khi rơi gần như thẳng đứng từ mức 8.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2015 của OGC, lãnh đạo OGC cho biết, Công ty lãi bất thường 1.500 tỷ đồng trong quý III/2015 nhờ chuyển nhượng cổ phần của Công ty Blue Star - doanh nghiệp đang sở hữu khu đất vành khăn tại Dự án Đông Nam Trần Duy Hưng.

Sau thông tin này, giá cổ phiếu OGC tăng vọt lên 4.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng 68% trong 1 tháng.

Cổ phiếu VC3 tăng 5,5 lần

Cổ phiếu VC3 của CTCP Xây dựng số 3 trong năm 2015 đã tăng từ 16.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất 60.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt 15% và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:3 thì giá cổ phiếu VC3 đã tăng từ 6.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm lên mức cao nhất 33.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/11, tức tăng gấp 5,5 lần.

Giá cổ phiếu VC3 chỉ thực sự tăng tốc kể từ tháng 5/2015, khi Vinaconex đăng ký thoái toàn bộ vốn (4 triệu cổ phiếu) tại VC3 cho 3 cổ đông là: ông Nguyễn Thanh Phương (1,36 triệu cổ phiếu), CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (1,92 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Hoài Anh (800.000 cổ phiếu). Giá sau điều chỉnh của VC3 là 15.800 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nếu giữ đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thanh Phương lãi hơn 15 tỷ đồng (bao gồm cả cổ tức tiền mặt), còn Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát lãi trên 20 tỷ đồng.

“Được ăn cả, ngã về không”

Có vẻ dễ kiếm lợi lớn khi chọn đầu tư cổ phiếu giá “bèo”, cổ phiếu “sắp chết”, nhưng không phải thương vụ nào cũng mang cái kết tốt đẹp. Như trường hợp VC3, sau khi giá cổ phiếu tăng lên 33.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/11 thì một tháng nay, cổ phiếu này liên tục giảm, xuống thấp nhất 18.500 đồng/cổ phiếu (giảm 44% trong 1 tháng).

Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá đắt khi mua các cổ phiếu có giá vài nghìn đồng. Dù thị giá thấp, nhưng giá cổ phiếu vẫn có thể lao dốc và nhà đầu tư không đủ bản lĩnh hoặc tài chính để giữ, buộc phải bán ra cắt lỗ. Đặc biệt, nếu “đu” theo các cổ phiếu loại này đang tăng “nóng”, nhà đầu tư rất dễ trở thành nạn nhân xả hàng của “đội lái”. Bởi sau khi cổ phiếu đã tăng giá gấp vài lần trong năm thì bằng mọi cách, “đội lái” cũng sẽ bán ra khi cảm thấy không thể kéo giá cổ phiếu lên thêm.

“Chơi” các cổ phiếu giá bèo, nhà đầu tư thường phải xác định “được ăn cả, ngã về không” vì lợi nhuận có cơ hội tăng gấp vài lần, nhưng cũng có thể công ty sẽ bị hủy niêm yết, không có giao dịch, dẫn đến khoản vốn đầu tư bị chôn vùi trong một thời gian dài.

Tin liên quan
Tin khác