Đây là lần thứ 2 trong 5 năm qua, Kiểm toán Nhà nước nội soi Quỹ Bảo trì đường bộ. |
Theo kế hoạch, vào sáng ngày 28/8, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức công bố Quyết định số 1471/QĐ – KTNN ngày 22/8/2019 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng kinh phí đường bộ giai đoạn 2017 – 2018.
Đợt kiểm toán này có mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ; phát hiện những bất cập của cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí và xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán sẽ tập trung vào việc tổ chức quản lý thu phí sử dụng đường bộ; việc quản lý, sử dụng kinh phí đường bộ của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và các địa phương trong giai đoạn 2017 – 2018 và các thời kỳ trước sau có liên quan. Các đơn vị được kiểm toán tổng hợp đợt này là Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Các đơn vị được kiểm toán chi tiết là các Cục Đường bộ: I, II, III, IV; Ban quản lý dự án 5, Các Sở GTVT: Hà Nội, Tp.HCM, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa.
Vào cuối năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã Văn bản số 546/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán công tác quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ (Bảo trì đường bộ) giai đoạn 2015 - 2016.
Theo đó, tại Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương - nơi giữ phần lớn nguồn thu từ xe ô tô và chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì hệ thống đường quốc lộ trong cả nước, hạn chế bắt đầu ngay từ khâu lập kế hoạch chi mà nổi cộm là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đường bộ đầy đủ, đồng bộ để theo dõi tình trạng hệ thống cầu đường làm căn cứ đưa ra thời gian, chu kỳ phải sửa chữa khi lập kế hoạch bảo trì. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích sử dụng của Quỹ Bảo trì đường bộ (45,4 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn cho một số Dự án chưa phù hợp với thời gian được phê duyệt gây nợ đọng khối lượng hoàn thành.
Ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2015, 6 dự án có tổng mức đầu tư151 tỷ đồng được hoàn thành với giá trị đề nghị thanh toán 128 tỷ đồng, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ được giao vốn 90 tỷ đồng dẫn tới các đơn vị thi công bị nợ đọng hơn 38 tỷ đồng.
Liên quan đến việc chi Quỹ Bảo trì đường bộ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, giá gói thầu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt chưa tính toán đầy đủ yếu tố trượt giá; các gói thầu đấu thầu năm 2015 còn tạm tính, nhưng Tổng cục vẫn phê duyệt hợp đồng là “Hợp đồng trọn gói” là không đúng với các quy định tại Nghị định số 207/2013/NĐ - CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết số 02/NQ - QBTTW ngày 15/4/2014 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc tiết giảm 50% chi bảo dưỡng thường xuyên và chi phí có liên quan so với định mức năm 2013 đã khiến kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp cho năm 2015, 2016 chỉ còn 25 triệu đồng/km/năm.
Hậu quả của Nghị quyết “gọt chân” này là, các hư hỏng của mặt đường không được xử lý kịp thời, một mặt ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của công trình, mặt khác sẽ phát sinh các hư hỏng lớn, nên khi sửa chữa đột xuất sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí để bổ sung.