Qua khảo sát, tại Khách sạn Novotel Hạ Long, mỗi phòng cách ly có diện tích 32 m2, chứa 1-2 người/phòng. Các nhân viên khách sạn sẽ phát cơm cho từng phòng mỗi ngày, đặt ở cửa để khách tự lấy theo bữa.
Đây là động thái nhằm chuẩn bị cho việc thí điểm cách ly y tế 7 ngày đối với người nhập cảnh đủ điều kiện tại Quảng Ninh. |
Ngoài lực lượng tại chỗ của khách sạn, cơ sở cách ly này còn có công an, dân phòng và cán bộ y tế trực 24/24 để phục vụ phòng, chống dịch.
“Nếu người cách ly bị sốt, ho, họ sẽ chủ động trao đổi ngay với cán bộ y tế của khách sạn qua điện thoại kết nối từ trong phòng ra ngoài hoặc khi đo nhiệt độ hàng ngày", đại diện khách sạn cho biết.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh trước sự lây lan nhanh của biến chủng virus đợt dịch này, ban quản lý khách sạn nên bố trí cách ly một người/phòng, tránh sắp xếp hai người cùng phòng để đảm bảo an toàn, giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo.
"Khách sạn cũng cần tránh tuyệt đối không để người cách ly giao lưu với nhau, phải có người giám sát 24/24. Nhân viên y tế phải đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe cho người cách ly 2 lần/ngày nhưng không được vào phòng cách ly", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng tới kiểm tra quy trình đón tiếp hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Ông Phạm Ngọc Sáu, Tổng giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho biết, việc đầu tiên chúng tôi cần thay đổi là quy trình đón tiếp để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế, qua đó tách khách đủ điều kiện cách ly 7 ngày với những người chưa đủ điều kiện".
Đại diện này cũng cho hay Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hướng tới sự minh bạch các khoản phí, thay đổi phương tiện vận chuyển và ưu tiên hàng đầu việc tránh lây nhiễm cho nhân viên và cộng đồng.
Trước đó, ngày 25/6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc triển khai thí điểm cách ly y tế 7 ngày với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh Covid-19.
Đối tượng áp dụng quyết định này là những người nhập cảnh theo quy định của Chính phủ Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, cách ly y tế, tự theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh.
Quyết định không áp dụng đối với người nhập cảnh làm việc dưới 14 ngày. Các trường hợp này sẽ cách ly y tế tập trung tại khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng và người nhập cảnh tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí.
Theo quy định này, người nhập cảnh có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước tiêm vắc-xin cấp (vắc-xin tiêm phòng phải được Tổ chức Y tế thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng); liều cuối cùng tiêm vắc-xin trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Người nhập cảnh có giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền của nước điều trị cấp.
Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật tay nghề cao (sau đây gọi chung là chuyên gia) và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; vận động viên; khách ngoại giao, công vụ...
Bộ Y tế cũng quy định người tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 cần chuẩn bị thêm giấy tờ sau bằng tiếng Anh gồm: Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19; giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Kỷ lục số ca mắc Covid-19 trong ngày tại TP.HCM
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 1/7, TP.HCM ghi nhận 464 ca mắc Covid-19 mới.
Trong ngày 1/7, Việt Nam ghi nhận thêm 693 ca ghi nhận trong nước, gồm TP. Hồ Chí Minh (464), Bình Dương (90), Tiền Giang (38), Long An (28), Phú Yên (26), Hưng Yên (11), Quảng Ngãi (9), Bắc Giang (5), Hà Tĩnh (5), An Giang (5), Nghệ An (3), Bắc Ninh (3), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1); trong đó 584 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 18h ngày 1/7, Việt Nam có tổng cộng 15.758 ca ghi nhận trong nước và 1.818 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 14.188 ca, trong đó có 4.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.
11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Phước.