Kiên Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế đa dạng |
Nơi hội tụ tiềm năng
Kiên Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 6.348,8 km2, là tỉnh vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có bờ biển dài hơn 200 km, vùng biển rộng hơn 63.000 km2, có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km, với Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành (Tuyến đường Hành lang kinh tế ven biển phía Nam - R10).
Tỉnh Kiên Giang có hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ (43 hòn đảo có dân cư sinh sống). Trong đó, đảo Phú Quốc có diện tích lớn nhất, đang được đầu tư phát triển định hướng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Các quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc, Nam Du, An Thới được ví như Hạ Long của phương Nam, nên tiềm năng phát triển du lịch còn rất lớn. Ngoài ra, Kiên Giang còn có vùng đồng bằng rộng lớn, 2 vườn quốc gia, trong đó Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam.
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt, với nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc… đã tạo cho Kiên Giang nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như nông - lâm- thủy sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm; du lịch; kinh tế biển; kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế qua việc kết nối giao thông đường biển, trên bộ nội vùng và với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực
Nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, tỉnh Kiên Giang sẽ tận dụng tối đa cơ chế chính sách phù hợp với Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, để tiếp tục tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó quan tâm thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang chia sẻ.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, trong xúc tiến đầu tư, mục tiêu tỉnh đề ra là tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên các lĩnh vực: nông nghiệp toàn diện, công nghiệp có lợi thế, dịch vụ, kinh tế biển..., nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Cụ thể, trong nông nghiệp, Kiên Giang thu hút các dự án phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ; ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP - mỗi xã, phường một sản phẩm) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm các lĩnh vực công nghiệp chế biến, đóng gói, dịch vụ, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.
Về công nghiệp, tăng cường thu hút dự án công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, sản xuất lắp ráp, chế tạo; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động sản xuất cho xuất khẩu (may mặc, giày da, điện tử...); công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp năng lượng gồm điện gió, điện khí, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác.
Về dịch vụ, thu hút dự án phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao. Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, đầu tư khai thác và quản lý mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn, chợ đêm...; các ngành dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ văn hóa - thể thao, dịch vụ thương mại, hạ tầng các khu du lịch, điểm du lịch; dự án phát triển du lịch thông minh…; các dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không...
Về kinh tế biển, Kiên Giang quan tâm kêu gọi đầu tư phát triển nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi biển; đánh bắt và chế biến hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển; các cảng biển trọng điểm tại Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải.
Đối với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, thông qua nhiều kênh, sẽ tiếp tục đẩy mạnh marketing địa phương, xây dựng quảng bá hình ảnh tích cực là cách hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến Kiên Giang, nhất là khi Việt Nam là thành viên các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và IPA), cần chú trọng các đối tác đến từ các thành viên của các hiệp định.
Vừa qua, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định phê duyệt Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Danh mục có tổng số 55 dự án kêu gọi đầu tư được phân theo nhóm và lĩnh vực gồm: các dự án đầu tư có sử dụng đất với 3 dự án; các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa có 7 dự án và danh mục dự án kêu gọi đầu tư có 45 dự án.