Bộ trưởng Công thương đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ trao đổi với DOC, xem xét không áp thuế lên ngành ong xuất khẩu của Việt Nam. |
Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc làm việc với ông John F. Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công thương bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp lý đối với ngành ong Việt Nam với mức thuế dự kiến lên tới 412%, một mức thuế cao gấp nhiều lần so với nước khác.
Việc này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến tới 35.000 nông hộ ngành ong, phần lớn là nông dân, sống ở nông thôn, miền múi và các vùng kinh tế khó khăn, mà còn gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu cân bằng hệ sinh thái, tiếp cận nước sạch đầu nguồn và năng lượng sạch của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích rừng trồng ở Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà hai nước đang hướng đến.
Người đứng đầu ngành Công thương đã đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry có những trao đổi cần thiết với DOC để tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại một cách công bằng và minh bạch, xem xét cẩn trọng mọi vấn đề và các tác động tiềm ẩn, có những kết luận khách quan nhất và hợp lý nhất đối với các vụ điều tra, để hai bên có khép lại vụ việc trên một cách thuận lợi và không áp thuế lên ngành ong xuất khẩu của Việt Nam.
Liên quan đến thông tin DOC công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam, trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc phía Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Mỹ là thị trường xuất khẩu chính.
Bà Hằng khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tích cực, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại theo hướng hài hòa lợi ích và bền vững.
"Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Mỹ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước", bà nói.
Năm 2021, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, với mức thực hiện này, Mỹ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc trên 100 tỷ USD, sau Trung Quốc.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2021, có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD.