Theo VBA, việc giảm lượng tiêu thụ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ở các doanh nghiệp sản xuất và đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch, dịch vụ khác.
Nhiều quán bia đóng cửa vì không có khách. |
Nhiều quán hàng đóng cửa từ trước Tết Canh Tý đến nay vẫn chưa mở lại dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Như vậy, tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của nhiều quán ăn và nhà hàng trên cả nước, mà còn ảnh hưởng đến những công việc, việc làm do họ tạo ra.
Việc giảm sản lượng tiêu thụ có tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các đối tác và các nhà cung cấp, các nhà hàng và quán ăn...
Chưa kể, ngành bia, rượu, nước giải khát hiện tiêu thụ lượng khá lớn các sản phẩm nông nghiệp như gạo, đường, trái cây và một số sản phẩm khác của nông nghiệp. Khi sản lượng tiêu thụ bia, rượu, nước giải khát bị giảm sút sẽ tác động đến việc tiêu thụ lượng thực, thực phẩm và người nông dân cũng chịu tác động khi sản phẩm của họ không tiêu thụ được.
Mặt khác, khi sản lượng bia, rượu, nước giải khát bị giảm sút thì việc tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể bị rớt giá, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động. Việc giảm tiêu thụ bia, rượu, nước giải khát có thể dẫn đến hàng vạn người lao động không có việc làm, nhất là ở khu vực kinh doanh dịch vụ, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.
Bia sản xuất ra không tiêu thụ được. |
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho hay, khi sản lượng tiêu thụ giảm thì doanh thu cũng bị giảm. Doanh thu giảm thì các khoản thuế (thuế tiêu thị đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) cũng bị giảm sút một cách trầm trọng.
Theo dự báo, việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020 bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia.
“Việc giảm sản lượng tiêu thụ bia, rượu, nước giải khát sẽ có tác động ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội nói chung, dẫn đến tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng cao và nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ giảm”, ông Việt nhận định.
Vì vậy, đề góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, VBA đã đề nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các doanh nghiệp ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt với Nghị định 100/2019/NĐ-CP, VBA đề nghị xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi không có các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt.... Cụ thể, VBA đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với những người đi xe máy vi phạm lần đầu với nồng độ cồn thấp như quy định trước đây của Chính phủ.