Việc thống nhất liên thông các ứng dụng công nghệ thông tin với 3 nền tảng chính, gồm khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code; hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và quản lý tiêm chủng Covid-19 sẽ mang lại tác dụng lớn trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp người dân theo dõi lịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 |
Triển khai thống nhất trên toàn quốc
Sau khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch đã được nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Đến nay, đã có 18 nền tảng số được đưa vào khai thác, phục vụ các khâu chống dịch và phát huy hiệu quả rất cao trong truy vết, khoanh vùng, khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng đang gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Đặc biệt, trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, đã xuất hiện tình trạng quản lý, thống kê, lập kế hoạch, tiến hành tiêm chủng còn chậm; việc chuẩn hóa dữ liệu đăng ký tiêm, sử dụng phần mềm, nhập kết quả tiêm hằng ngày còn vướng mắc; một số cơ sở tiêm chủng có biểu hiện chưa thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, gây ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ…
Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng, thì người dân sẽ thiệt thòi vì việc cấp chứng nhận điện tử bị chậm trễ và sẽ không quản lý được danh sách những người đã tiêm mũi 1 để mời đi tiêm mũi 2...
Đề cập việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trước đây, mỗi ứng dụng đảm nhiệm một vai trò cụ thể trong phòng chống dịch. Một số địa phương còn triển khai các ứng dụng riêng, dữ liệu chưa được liên thông, liên kết, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác phục vụ phòng chống dịch.
“Để giải quyết vấn đề trên, cần thiết phải triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc”, ông Nam nói.
Khẳng định công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Công nghệ phải là bắt buộc, phải triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là khác biệt cơ bản giữa ‘thời bình’ và ‘thời chiến’. Ở ‘thời bình’, có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, liên thông dữ liệu. Nhưng ở ‘thời chiến’, bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc”.
Về định hướng chung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các nền tảng công nghệ phòng chống Covid-19 phải được dùng chung toàn quốc, dữ liệu phải liên thông, phải tập trung để Trung ương có thể nhìn thấy tình trạng dịch và việc triển khai phòng chống dịch trên toàn quốc, để có thể điều hành thống nhất, phân tích dữ liệu phục vụ việc ra quyết định nhanh và chính xác”.
Sau khi thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 2790/BTTTT-THH về triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc gửi các tỉnh, thành phố, đề nghị triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng chính, gồm nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Cần sự kết nối, hợp tác của toàn hệ thống
Để triển khai thống nhất trên toàn quốc, các nền tảng phải đáp ứng yếu tố tác động tới từng người dân, tới từng địa phương và kết nối, liên thông dữ liệu được với các ứng dụng khác trong phòng chống Covid-19. Ba nền tảng nêu trên đã đáp ứng yêu cầu đó, nhưng để phát huy hiệu quả cao nhất đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực của các bên tham gia, như các cơ quan quản lý, vận hành, nhập liệu và các doanh nghiệp công nghệ.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất, bởi tự thân công nghệ không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác, thì mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. Giống như mọi công cụ khác, công nghệ cũng có khiếm khuyết, cần liên tục sử dụng, ghi nhận, phản ánh lỗi, cập nhật và sửa lỗi. Mặt khác, phải phổ biến kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả để vững tin đi tiếp.
Đề xuất giải pháp để triển khai nhanh và hiệu quả các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung này, ông Nguyễn Trường Nam cho rằng, các địa phương phải quán triệt các cấp cơ sở trên địa bàn nghiêm túc thực hiện đồng bộ, đầy đủ và đúng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Nếu triển khai không nghiêm túc, không đúng, thì dữ liệu sẽ không đầy đủ, không đảm bảo tính chính xác, dẫn đến hiệu quả không cao.
Mới đây, tại lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện nền tảng, khắc phục những điểm chưa được; hướng dẫn cụ thể, tổ chức tập huấn để các y, bác sĩ tại các tuyến sử dụng thành thạo các công nghệ và ứng dụng, phát huy cao nhất hiệu quả của nền tảng hỗ trợ tư vấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng