Tháp đôi Petronas và các tòa nhà thương mại khác nhìn từ trên cao ở Kuala Lumpu, Malaysia. Ảnh: AFP |
Theo công bố ngày 11/11 của Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn tốc độ tăng 11,7% mà các chuyên gia dự báo với Reuters.
Kết quả trên cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý II/2021 khi nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 16,1%.
Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết đà tăng trưởng quý III/2022 được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tiếp tục gia tăng, thị trường lao động phục hồi vững chắc, cộng với xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và hỗ trợ chính sách tiếp tục được duy trì.
"Do tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nên tăng trưởng năm nay sẽ ước tính vượt 7%", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Nor Shamsiah Yunus cho biết.
Nền kinh tế Malaysia đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái do đại dịch Covid-19, mặc dù rủi ro suy thoái toàn cầu đang phủ mây đen lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này.
Tháng trước, Chính phủ Malaysia đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2022 lên ngưỡng 6,5 - 7,0% từ mức 5,3 - 6,3%. Nhưng năm 2023, tăng trưởng của Malaysia được dự báo sẽ chậm lại còn 4,0 - 5,0%.
Lạm phát toàn phần tại Malaysia có thể đạt đỉnh 4,5% trong quý III/2022 và sau đó sẽ giảm bớt, nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục tăng, theo nhận định của Ngân hàng Trung ương Malaysia.
Lạm phát ở Malaysia được kiềm chế chủ yếu bằng các khoản trợ cấp kỷ lục của chính phủ và các biện pháp kiểm soát giá cả được triển khai từ đầu năm. Tuy vậy, nguy cơ lạm phát tăng lên vẫn hiện hữu, dù Ngân hàng Trung ương Malaysia lần thứ tư liên tiếp thực hiện đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tuần trước.
Để kiềm chế lạm phát, kể từ tháng 5/2022, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã tăng lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản, từ mức thấp kỷ lục 1,75%.