Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện đêm bầu cử diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach vào ngày 6/11/2024 tại bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP |
Kinh tế Mỹ đang có "hiệu suất rất tốt"
Với sản lượng kinh tế tăng trưởng vượt xu hướng, thị trường lao động gần đạt mức việc làm tối đa và ngọn lửa lạm phát vẫn âm ỉ, ông Trump có thể sẽ thực hiện những cải cách mà ông đã cam kết về một nền kinh tế ít cần đến giải pháp kích thích.
"Thành công của chính quyền Trump sẽ là không "gây hại" cho nền kinh tế đang cho hiệu suất tốt mà họ sắp thừa hưởng", ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho biết. Trên thực tế, sự kết hợp các chính sách từ thuế quan, trục xuất người nhập cư trái phép và cắt giảm thuế sẽ "gây hại". Mức độ tác động đến nền kinh tế phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của các chính sách này", theo ông Zandi.
Ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1, nhưng bối cảnh kinh tế hiện đã khác xa so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017.
"Các điểm hạn chế là khác nhau, bắt đầu từ lạm phát", hiện vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn sau khi tăng đột biến trong thời kỳ Covid-19 và đến nay đã cho thấy sự cải thiện không đáng kể trong những tháng gần đây, theo bà Karen Dynan, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard và cựu quan chức chính quyền Tổng thống Obama.
Trở lại nắm quyền Nhà Trắng lần thứ hai, ông Trump phải đối mặt với mức thâm hụt liên bang lớn hơn và chi phí vay của chính phủ cao hơn trước đây, còn lực lượng lao động tăng nhanh hơn dự kiến do làn sóng nhập cư, những điều mà ông Trump đều muốn hạn chế.
Với hiệu suất kinh tế gần đây vượt xa các quốc gia phát triển khác và khiến nhiều nhà kinh tế ngạc nhiên, bà Dynan cho rằng "nếu tin tăng trưởng kinh tế vượt quá xu hướng là do nhập cư, thì sẽ khó có thể đạt được con số lớn như chúng ta đã thấy trong giai đoạn sau của chính quyền Tổng thống Biden".
Lạm phát, thâm hụt tài chính là hai thách thức lớn
Khi ông Trump lần đầu tiên bước vào Nhà Trắng vào năm 2017, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đều đặn kể từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, nhưng tốc độ tăng thường chậm chạp và việc làm vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Nền kinh tế Mỹ khi đó đã không gian để ông Trump thúc đẩy Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, cùng với đó các biện pháp thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đồng nghĩa với một đòn giáng vào nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Mỹ sau đó đã chứng minh được khả năng phục hồi mạnh mẽ và bước tăng trưởng kinh tế dài nhất của Mỹ trong thời hiện đại chỉ kết thúc đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Lạm phát khi đó là mối lo ngại xa vời đối với nền kinh tế Mỹ bởi nó dường như được neo dưới mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Người mua nhà ở Mỹ có thể tiếp cận các khoản thế chấp lãi suất cố định 30 năm ở mức khoảng 4% còn chính phủ nước này chi cho các hoạt động của mình bằng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn ở mức khoảng 3%.
Trở lại với hiện tại, lạm phát Mỹ đang treo lơ lửng trên mục tiêu của Fed, còn lãi suất thế chấp đang tiến gần đến 7% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm vào khoảng 5% và vẫn tiếp tục tăng. Thực tế này phản ánh sự hoài nghi của thị trường về việc lạm phát có được kiềm chế hay không và kỷ luật tài chính của Mỹ trong tương lai sẽ ra sao.
"Hiện vẫn còn lo ngại rằng lạm phát có thể không bị đánh bại ... Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó, vì vậy đừng lo lắng về điều đó", Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết.
Thế nhưng, "một vấn đề khác đang ngày càng được chú ý là mối lo ngại về thâm hụt tài chính ... Nếu điều đó dường như không thay đổi trong tương lai, thì đến một lúc nào đó, thị trường sẽ đòi hỏi phải có một khoản phí bảo hiểm... Đó là những gì chúng ta đang thấy", Thống đốc Waller nói thêm.
Ông Trump đã thành lập một bộ không chính thức mang tên "Bộ Hiệu quả Chính phủ", nhưng chưa có kế hoạch nào để giải quyết hai yếu tố chính gây ra thâm hụt tài chính - phúc lợi y tế và hưu trí cho người cao tuổi - hai yếu tố mà cả hai đảng chính trị ở Mỹ đều coi là bất khả xâm phạm.
Nếu chi phí vay của chính phủ Mỹ và sự cảnh giác của thị trường trái phiếu là rào cản tiềm ẩn đối với ông Trump, thì tình hình kinh tế có thể đặt ra một loạt hạn chế khác.
Các số liệu kinh tế quan trọng được Fed theo dõi sát sao, bao gồm số liệu việc làm, lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng chung, có thể không có nhiều chỗ để cải thiện nếu không xuất hiện rủi ro.
Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 12/2024 đạt 4,1%, gần hoặc thấp hơn nhiều ước tính về mức được coi là bền vững mà không gây ra lạm phát. Cũng trong tháng đó, nền kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng việc làm ấn tượng với 256.000 việc làm.
Lạm phát đang giảm dần nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của Fed khoảng nửa phần trăm, trong bối cảnh lương tăng và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức lành mạnh.
"Nền kinh tế Mỹ đang có hiệu suất rất tốt", Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/12 sau cuộc họp chính sách gần đây nhất của Fed.
"Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ", với chính sách tiền tệ vẫn đủ chặt chẽ để đưa lạm phát trở lại mức 2% trong khi vẫn giữ nguyên thị trường việc làm, Chủ tịch Fed khẳng định.
Ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc liệu Fed có thể cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa hay không.
Tại cuộc họp chính sách vào tháng trước, các quan chức Fed bắt đầu đưa ra quan điểm rằng tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn có thể là kết quả tức thời của các chính sách thương mại và các chính sách khác dự kiến. Họ cũng đã công khai đề cập đến sự bất định mà họ đang phải đối mặt cùng với nỗ lực cân bằng.
Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng lạc quan về các điều kiện kinh tế sắp tới, bất chấp những gián đoạn có thể xảy ra do các biện pháp thuế quan và trục xuất người nhập cư trái phép của chính quyền Trump 2.0.
"Tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng nhiều hơn là giảm", Chủ tịch Fed tại chi nhánh Richmond Tom Barkin nhận định. Ông Barkin cũng cảnh báo rủi ro lạm phát là điều có thể xảy ra, đồng thời hy vọng chính quyền Trump 2.0 có thể rút bớt một chính sách nếu chúng tỏ ra "gây hại" cho nền kinh tế.