Thời sự
Kinh tế Trung Quốc bộn bề trước giờ cải tổ
Hà Thu - 07/11/2013 07:47
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nhóm họp cuối tuần này với nội dung trọng tâm là cải cách tài chính, doanh nghiệp nhà nước, đô thị... Nhiều chuyên gia cho rằng một cuộc cải tổ mạnh tay là điều cần thiết với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ngày 9 - 12/11, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành Hội nghị Trung ương III tại Bắc Kinh, trong bối cảnh kinh tế gần đây có nhiều dấu hiệu cải thiện. GDP nước này đã lấy lại đà tăng trưởng, quý III đạt tốc độ 7,8%. Số liệu này đã cho thấy hiệu quả gói kích thích do Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra hồi tháng 7, trong đó có tăng chi cho đường sắt và giảm thuế, để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc và Hiệp hội Mua bán - Hậu cần nước này hôm qua cũng công bố chỉ số PMI phi sản xuất tháng 10 đã tăng lên cao nhất năm. PMI tháng 10 của Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn dự báo, cho thấy kinh tế nước này đã bắt đầu ổn định.

Kinh tế Trung Quốc quý III đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: CNN

Chiến lược quốc tế hóa đồng NDT gần đây cũng bắt đầu cho kết quả. Đầu tháng 9, khảo sát của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy, nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc hiện là một trong 10 đồng tiền được giao dịch mạnh nhất thế giới.

Tháng 4 vừa qua, Australia tuyên bố ý định đưa NDT vào nhóm dự trữ ngoại hối của nước này. Đây là nước thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản, có giao dịch tiền tệ trực tiếp với Trung Quốc. Tuyên bố này cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc và Brazil ký hiệp định hoán đổi tiền tệ trong ba năm, nhằm từ bỏ lấy USD làm chuẩn mực thương mại giữa hai nước.

Hồi tháng 7, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo bỏ sàn lãi suất cho vay, hiện ở mức dưới 30% lãi suất cơ bản (6%). Động thái này được giới phân tích rất hoan nghênh và nhận định là đột phá quan trọng về chính sách của Trung Quốc.

Các dấu hiệu lạc quan trên có thể giúp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tự tin hơn khi thực thi cải cách. Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc xuất khẩu và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng. Mô hình cũ từng giúp GDP nước này tăng tới hai chữ số suốt ba thập kỷ qua đã không còn tác dụng.

Dù vậy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cho biết Chính phủ phải cân bằng giữa nhu cầu tái cấu trúc kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý để đảm bảo tình hình việc làm. Mục tiêu tăng GDP năm nay của họ là 7,5%.

"Đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vẫn tương đối mạnh trong quý IV. Chính phủ kiềm chế tăng trưởng nóng, nhưng sẽ không thắt chặt tiền tệ mạnh tay, do lãnh đạo mới vẫn cần duy trì môi trường kinh tế và tài chính ổn định để củng cố quyền lực", Lu Ting - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Bank of America nhận định.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, hệ lụy tăng trưởng tín dụng nóng trước đây, nợ địa phương cao và xuất khẩu yếu vẫn có thể khiến đà phục hồi của nước này chững lại. Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã lên tới 207% khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt tăng trưởng kinh tế, Mike Werner - nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein Hong Kong cho biết. Việc này càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình trạng nợ xấu trong ngân hàng. Năm nhà băng lớn nhất nước này đã có thêm 22,4 tỷ NDT nợ xấu trong nửa đầu năm, nâng tổng nợ xấu lên 350 tỷ NDT, tương đương 1% các khoản vay.

Xuất khẩu Trung Quốc cũng giảm 0,3% trong tháng 9, một phần do nhu cầu tại các nước Đông Nam Á suy giảm. Hai tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhận định xuất khẩu giảm là một rủi ro với kinh tế Trung Quốc.

Giới phân tích cũng nhận định sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc sẽ không thể kéo dài. Do nước này còn phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính cấu trúc lớn, như lợi nhuận đầu tư và lực lượng lao động giảm sút, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo khảo sát của Bloomberg, GDP nước này có thể chỉ tăng 7,6% năm nay. Tốc độ này chậm hơn năm 2012 và là thấp nhất kể từ năm 1990. Thậm chí, sang năm 2014, tăng trưởng có thể chỉ còn 7,4%.

Cuối tháng 10, Trung Quốc tuyên bố sẽ thảo luận các chính sách cải tổ lớn "chưa từng có" trong hội nghị tuần này. Vì vậy, giới quan sát cả trong và ngoài nước đều đang chờ đợi liệu Trung Quốc sẽ tung ra những cải tổ thực sự nào và thực hiện được trong bao lâu.

Trên Forbes, Patrick Chovanec - chiến lược gia tại Silvercrest Asset Management cho biết: "Lãnh đạo Trung Quốc đã cưỡi lên lưng hổ rồi. Cải tổ kinh tế mạnh tay có thể đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng, dù quá trình này tương đối đau đớn. Nhưng nếu không thực hiện được, Trung Quốc sẽ bị đẩy vào tình thế mà chính lãnh đạo nước này cũng thừa nhận là ngõ cụt".

Tin liên quan
Tin khác