Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của nền kinh tế. |
Đảm bảo cạnh tranh bình đẳng
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn, cần tập trung thực hiện để thu hút các nguồn lực đại chúng vào nền kinh tế, tạo ra những bước thay đổi mạnh mẽ về chất ở các doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh hiệu quả ở các doanh nghiệp nhà nước sau chuyển đổi.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần không còn vốn nhà nước đã tạo ra những bước tiến dài mạnh mẽ.
Năm 2003, trước thời điểm cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của TNG chỉ có gần 3 tỷ đồng, giá trị tổng tài sản 34,7 tỷ đồng, lao động có 1.150 người, doanh thu đạt 50 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước thấp.
Sau 16 năm cổ phần hóa, tính đến ngày 31/7/2019, các chỉ số so với năm trước cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của TNG tăng 309 lần; giá trị tổng tài sản tăng hơn 94 lần; doanh thu tiêu thụ tăng 90 lần; lợi nhuận ước tăng 146 lần và giải quyết việc làm ổn định cho trên 16.000 người.
Đến nay, Công ty TNG đã trở thành một trong những doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam. Nếu không có chủ trương của Đảng về đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sẽ không có những doanh nghiệp như TNG hôm nay.
Nhưng, thực tế trong cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm vai trò chủ đạo ở hầu hết các lĩnh vực và ngành kinh tế quan trọng và cả kém quan trọng hơn như xi măng, dệt may…
Từ kinh nghiệm thực tiễn ở doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, tình trạng trên sẽ khiến yêu cầu cải thiện quản trị doanh nghiệp khó đạt. Tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn lớn 30%, 50%, thậm chí là 90%, rất khó đưa vào áp dụng các phương thức quản trị hiện đại theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD).
Lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm
Có nhiều bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Những lợi thế kinh tế cho phép công ty có quy mô lớn hơn hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài những lợi thế kinh tế nhờ quy mô, các doanh nghiệp lớn cũng phát triển vượt trội nhờ công tác quản trị công ty tốt hơn, do đó có khả năng tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn và nhân lực, công nghệ tiên tiến, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn, sáng tạo hơn để đảm bảo một doanh nghiệp có năng suất cao, cạnh tranh tốt. Những yếu tố này thường chỉ có thể xảy ra khi một công ty đạt đến một quy mô nhất định.
Doanh nghiệp lớn cũng có mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các công ty này đã có thể phát triển thương hiệu riêng của mình, thay vì chỉ làm gia công, hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ duy nhất cho thị trường nội địa như thường thấy ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, các công ty tư nhân lớn trong nước thường có trình độ quản trị công ty tốt hơn và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về minh bạch thông tin. Nhờ đó, các doanh nghiệp này có thể tiếp cận tốt với các nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Chính điều này đóng góp thêm cho nỗ lực cải thiện hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp.
Như vậy, chúng ta cần đặt trọng tâm chính sách vào việc tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, cần xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).